“Hoạt động Chuyển đổi số Ngành Du lịch không chỉ mang lại những giá trị thiết thực về tối ưu hoạt động quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững mà còn đóng góp quan trọng cho sự phát triển Ngành Hàng không thời kỳ hậu CoVid-19.”
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quyết Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietISO, Giám đốc Trung tâm dữ liệu Du lịch Việt Nam tại “Hội thảo quốc tế về Công nghệ Hàng không” trong khuôn khổ “Triển lãm quốc tế Hàng không Việt Nam 2022 được tổ chức vào sáng nay, ngày 17/09/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Hàng không được đánh giá là loại hình dịch vụ điển hình trong Ngành Du lịch, là phương tiện vận chuyển được ưu tiên hàng đầu cho cả 3 thị trường du lịch chính là Inbound (khách du lịch quốc tế đến Việt Nam), Outbound (khách Việt Nam du lịch ra nước ngoài) và Nội địa (khách du lịch trong nước.
Thực tế cho thấy có tới 30-40% người đi máy bay là khách du lịch. Chính vì vậy, Du lịch là nguồn lực quan trọng giúp gia tăng lượng khách sử dụng dịch vụ Hàng không.
Tuy nhiên, đại dịch CoVid-19 đã tạo ra khủng hoảng chưa từng có với cả Ngành Du lịch và Hàng không trong hơn hai năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt hơn 14 triệu lượt, chiếm 79,8% trong tổng số hơn 18 triệu lượt khách đến Việt Nam. Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019 tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước.
Dưới sự tác động mạnh mẽ của đại dịch CoVid-19, thị trường thay đổi, xu hướng tâm lý và hành vi của khách du lịch cũng đã có nhiều sự thay đổi. Một số xu hướng chính có thể kể đến như Chủ động lựa chọn dịch vụ, xây dựng chương trình du lịch; Ưu tiên loại hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; Nhu cầu du lịch không chạm; Hướng tới trải nghiệm được cá nhân hoá và thân thiện; Mong muốn trải nghiệm độc đáo, vượt trội so với thực tế như tham quan ảo,…
>> 4 Xu hướng chính trong Chuyển đổi số Ngành Du lịch
Để thích ứng với bối cảnh thị trường biến động hậu CoVid-19, Ngành Du lịch đã tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó giải pháp Chuyển đổi số được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là chủ trương, định hướng của Chính phủ nhằm khai thác hiệu quả hơn các giá trị từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, hồi phục và phát triển du lịch bền vững.
Với việc tích cực triển khai các kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số du lịch, sẽ tạo điều kiện tối đa để hoạt động kinh doanh du lịch phát triển, gia tăng lượng khách du lịch cũng như quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy lượng du khách sử dụng các dịch vụ Hàng không một cách tối đa.
>> Bức tranh Chuyển đổi số Ngành Du lịch
Theo hành trình của khách du lịch, có thể thấy rất nhiều điểm chạm với Ngành Hàng không cả trước, trong và sau chuyến đi. Từ việc tìm kiếm vé, đặt vé máy bay, check-in, trải nghiệm các dịch vụ trong sân ga (Quá cảnh, đặt giữ chỗ bổ sung, trả hành lý…) cho tới các dịch vụ phi hàng không (phòng chờ, đóng gói, đổi tiền…) và các tiện ích, tiện nghi khác trong quá trình bay. Như vậy, các giá trị gia tăng phát sinh từ khách du lịch là rất lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho Hàng không.
Để Ngành Du lịch và Hàng không cùng “cất cánh”thời kỳ hậu CoVid-19, đại diện Trung tâm Dữ liệu Du lịch Việt Nam - ông Nguyễn Quyết Tâm đề xuất 3 giải pháp:
- Thứ nhất, Xây dựng Chính sách “thông thoáng”: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch về các thủ tục xuất nhập cảnh, visa… nhằm kích cầu và mở rộng thị trường tiềm năng.
- Thứ 2, Tăng cường quảng bá Du lịch Việt Nam: Ngành Du lịch và Hàng không cùng xây dựng lộ trình phát triển điểm đến Việt Nam, thiết kế các đường bay mới, gói sản phẩm kết hợp hàng không - du lịch độc đáo, chất lượng.
- Thứ 3, Kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách: Nhằm xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm của du khách và hoạt động nghiên cứu thị trường.
Đây là tiền đề quan trọng để khắc phục hậu quả do đại dịch, cũng là cơ hội để Ngành Du lịch và Hàng không Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh mới.