Diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào sáng 30/9.
Diễn ra vào 8h00' sáng ngày 30/9 tại Khách sạn Golden Lake, B7 Giảng Võ, Hà Nội, diễn đàn 'Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch' có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương; Lãnh đạo Bộ VHTT&DL; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội du lịch Việt Nam và Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam.
Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA); đại diện Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA); chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới từ Google, Facebook, Booking.com và khách quốc tế tham gia trực tuyến; khối Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch; cơ quan truyền hình và báo chí; cùng nhiều doanh nghiệp nghỉ dưỡng, lữ hành, khách sạn.
Theo dõi livestream sự kiện tại đây.
Diễn đàn gồm có hai phiên. Phiên thứ nhất, các diễn giả sẽ trình bày về những vấn đề chung như triển khai chương trình chuyển đổi số trong du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch thế giới, du lịch trực tuyến - xu hướng của du lịch toàn cầu, dịch bệnh CoVid-19 với những thách thức mới của ngành du lịch. Ở phiên thứ hai, các diễn giả sẽ trình bày về chương trình chuyển đổi số ở Việt Nam, xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch và booking, quản lý điểm đến với du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ du lịch. Diễn biến sự kiện sẽ liên tục được cập nhật tới quý độc giả.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát biểu khai mạc
Năm 2020, đại dịch CoVid-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thể giới, thiệt hại do CoVid-19 là vô cùng to lớn cả về tính mạng con người và về kinh tế thế giới, đặc biệt là Du lịch. Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới UNWTO, đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho du lịch năm 2020 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng bị thiệt hại to lớn do Covid-19.Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, CoVid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Việt Nam luôn kiểm soát được đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Việt Nam đã tích cực sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch mỗi khi điều kiện cho phép, đã phần nào khắc phục hậu quả của dịch CoVid-19. Tuy nhiên dịch CoVid-19 diễn biến khó lường, dễ bùng phát trở lại. Do vậy, công cuộc khôi phục và phát triển du lịch trong lúc phải song hành với phòng chống dịch CoVid-19 không thể có kết quả nhanh chóng được.
Một khó khăn lớn nhất của khôi phục du lịch là các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch. Trong bối cảnh này các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50 – 200%. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ sự ưu việt của mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của CoVid-19 nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.
Du lịch là một ngành dịch vụ, gắn liền với mọi biến động của xã hội, với nhu cầu của con người. Du lịch là ngành có điều kiện ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân. Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Để đạt được mục tiêu trên, việc đầu tiên là triển khai chương trình chuyển đổi số. Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”. Diễn đàn diễn ra vào sáng ngày 30/9/2020 tại Khách sạn Hồ Vàng, Hà Nội và có sự tham gia trực tiếp của trên 200 đại biểu và tham gia trực tuyến của các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên BCH TW Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định "Phải tạo ra những vector cùng chiều, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, phát triển kinh tế". Có thể nói trước tác dộng mạnh mẽ của đại dịch, nền du lịch Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, làm thế nào để vực dậy giữa bối cảnh này là câu hỏi khó khăn với các cấp ngành. Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức diễn đàn hôm nay là trong những hướng đi, giải pháp quan trọng góp phần khôi phục ngành du lịch. Dưới góc độ lãnh đạo của Đảng và nhà nước, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với nhiều ngành, gắn bó với thương mại, giao thông… Khi các ngành khác bị ảnh hưởng, du lịch cũng bị ảnh hưởng theo và ngược lại.
Trong bối cảnh hiện nay, theo chủ trương của Đảng và Chính Phủ là đặt phát triển kinh tế số là mục tiêu hàng đầu. Bộ Chính Trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững. Theo đó, 5 lĩnh vực hiện nay cần tập trung gồm có: đẩy mạnh công nghệ số, quản lý điểm đến du lịch thông minh, hệ thống thông tin có sở dữ liệu ngành du lịch tạo tương tác với các tổ chức khác, kêu gọi doanh nghiệp cùng hưởng ứng tạo ra sáng tạo trong chuyển đổi số, lan toả công nghệ số đến mọi cấp, ngành để hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Trước tác động CoVid-19 đòi hỏi ngành du lịch hoạt động khẩn trương và quyết liệt hơn.
Trong thời gian tới, mong muốn các hiệp hội và cộng đồng du lịch kết hợp tạo ra sức mạnh để cùng phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Mục tiêu là kép biến nguy thành cơ: phải khởi động lại gói kích cầu lần 2, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn. Theo ông Hùng, trong 10 ngày nữa sẽ ra mắt ứng dụng du lịch an toàn giúp quảng bá du lịch Việt Bam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội.
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ Tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có bài phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”. Theo đó, các báo cáo chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO, sự thiệt hại do Covid-19 đối với du lịch quốc tế Quý I và II năm 2020 như sau:
Khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm giảm 65% (tháng 6- 93%) tương đương với 440 triệu khách; thiệt hại kinh tế là 460 tỷ USD, gấp 5 lần thiệt hại đợt khủng khoảng tài chính toàn cầu 2009.
UNWTO dự báo 3 kịch bản của Du lịch thế giới với độ suy giảm tương ứng 58%, 70%, 78%. Tình hình 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy Du lịch thế giới hiện đi theo kịch bản 2 là suy giảm khoảng 70%, thiệt hại từ du lịch quốc tế (xuất khẩu) toàn cầu ước khoảng 1000 tỷ USD.
Đối với Du lịch Việt Nam, khách quốc tế vào Việt Nam Quý I, Việt Nam đón được 3,7 triệu. Do đóng cửa biên giới, 3 Quý còn lại cơ bản không có khách quốc tế. Do vậy, khách quốc tế năm 2020 sẽ chỉ đạt tối đa 30% so với năm 2019 (thiệt hại ít nhất 70%). Khách nội địa: đã triển khai Chương trình kích cầu đợt 1 (từ tháng 5 – 7/2020) và sẽ tiếp tục triển khai kích cầu đợt 2 (từ tháng 10 – 12/2020). Tuy nhiên tối đa cả năm lượng khách nội địa chỉ đạt 50% so với năm 2019. - Khách quốc tế ra (outbound) từ tháng 3/2020 cơ bản không có khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Thiệt hại từ kinh doanh outbound ước khoảng 85%. - Doanh thu du lịch năm 2019 đạt 755.000 tỷ VND, với dự kiến lượng khách như trên, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2020 (inbound và nội địa) chỉ đạt khoảng 300.000 tỷ VND (thiệt hại 61% so với 2019).
Ông Bình cho rằng, Covid-19 cho thấy Du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các DNDL triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này.
Chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tính, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm,…).
Về hiệu quả kinh doanh, nó giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận. Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch có thể đề cập tới Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), AI- Trí tuệ nhân tạo, Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.
Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số của ngành Du lịch là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.
Thế giới đang bước vào nền công nghiệp 4.0, trong đó sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, của các công nghệ hiện đại, của các vật liệu mới đã và đang làm thay đổi từ nhận thức, tri thức, đến mọi mặt xã hội. Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Sự nhạy bén, năng động của người Việt Nam, việc chuyển đổi số sẽ nhận được sự ủng hộ của các DNDL, góp phần đưa DLVN phát triển nhanh hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
"Nền tảng mạng xã hội trong phát triển du lịch"
Tại Diễn đàn, Bà Nguyễn Ánh Nguyệt – Giám đốc Chính sách Công Việt Nam, tập đoàn Facebook đã có bài phát biểu với nội dung nhận định "du lịch" và "nghỉ dưỡng" là hai xu hướng diễn ra mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam cuối 2020 của Facebook cho thấy 86% người tiêu dùng có ý định tự thưởng cho bản thân và 87% có ý định chia sẻ và tặng quà cho người thân. Như vậy, sau đại dịch Covid-19, du lịch và nghỉ dưỡng là ưu tiên lớn nhất của người tiêu dùng khi được hỏi về xu hướng dịch vụ và trong đó Facebook là kênh quảng cáo hàng đầu về du lịch và lữ hành. Tháng 5 năm nay, Facebook đã phát động chiến dịch Facebook for Việt Nam – Facebook for Economy.
Bên cạnh đó, Facebook cũng cùng các công ty du lịch lữ hành Việt Nam tham gia quay clip “Bao la Việt Nam” với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi để thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19. Clip đã nhận được hàng triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ trong công cuộc phục hồi và phát triển du lịch nội địa.
Ngoài ra, Facebook cũng phối hợp với Vietjet đưa ra chương trình “Bao la Việt Nam – Bay xanh cùng Vietjet” để bắt kịp xu thế, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa. Không chỉ vậy, Facebook cũng hưởng ứng mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đưa ra chương trình Sức sống Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, Facebook dự định triển khai dự án “Video for Vietnam” để thúc đẩy du lịch hậu Covid-19.
Chuyển đổi số: Thay đổi căn bản hoạt động du lịch Toàn Cầu
Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của Google cho biết, theo một khảo sát cuối tháng 8, người VN lạc quan nhất so với xu hướng du lịch ở khu vực Đông Nam Á (24%). Trong bối cảnh du lịch hạn chế, người Việt tìm đến những điểm du lịch online với các video trực tuyến khơi nguồn cảm hướng du lịch của họ. Người Việt quan trọng uy tín của công ty du lịch hàng đầu, giá cả là thứ yếu. Vì vậy các công ty du lịch cần chủ trương triển khai các chương trình thúc đẩy, làm cho chuyến đi của du khách hoàn hảo nhất, phù hợp cho mọi đối tượng, trong đó có các hình thức chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới để tối ưu trải nghiệm.
Theo bà Trâm, các doanh nghiệp du lịch có thể thúc đẩy sự hồi sinh của du lịch qua 3 cách chính: Tôn vinh vẻ đẹp quốc gia trên thế giới, Đào tạo kỹ năng số và Quảng bá du lịch cho du khách với các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia: Google Arts & Cultures, Google Tìm Kiếm. Có thể tham khảo mô hình Lăng Vua Tự Đức, Huế - AR/3D và quảng vá du lịch Việt Nam với Youtuve: Google Adventure Vietnam 2019.
Tiếp nối chương trình là diễn đàn mở về chủ đề Chuyển đổi số trong phát triển du lịch do CEO Vinalink - ông Tuấn Hà điều phối và sự tham gia của bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch Gotadi, ông Nguyễn Văn Hạ - CEO Hahalolo và ông Đoàn Quốc Tâm - CEO FTC. Diễn đàn diễn ra rất sôi nổi và được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía khán giả. Các diễn giả đã đặt câu hỏi và thảo luận về những xu hướng công nghệ được áp dụng trong lĩnh vực du lịch và hiệu quả cũng như tương lai của chuyển đổi số trong ngành công nghiệp không khói. Phần lớn đều cho rằng, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết trong thời điểm hiện nay cùng với sự chuyển dịch trong thói quen chi tiêu, tiếp cận và trải nghiệm của khách du lịch.
Ở Toạ đàm mở số 2 của diễn đàn do ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực VITA đã cùng các khách mời đã thảo luận chi tiết hơn về chuyển đổi số trong du lịch Việt Nam. Các khách mời bao gồm ông Nguyễn Quyết Tâm - CEO VietISO, ông Kendall Nguyễn - Managing Director Luxstay, ông Nguyễn Chí Thanh - CEO Toàn Dũng Media và ông Trần Mạnh Cường, chuyên viên đào tạo Sapo.
Các vị khách mời đã thảo luận sôi nổi về cách các doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống chuyển đổi số trong kinh doanh và quảng bá dịch vụ du lịch. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, marketing số là xu thế của ngành du lịch và sẽ định hình lại cách tiếp cận khách du lịch trong thời đại mới. Chuyển đổi số trong lưu trú và lữ hành là chuyển dịch cần thiết, theo ông Kendall Nguyễn, với kinh nghiệm từ xây dụng hệ sinh thái quản lí và kinh doanh homestay tại Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực VITA phát biểu khép lại diễn đàn, theo ông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang có dự định thành lập câu lạc bộ để các doanh nghiệp du lịch có thể giao lưu và tham khảo những giải pháp công nghệ số đa kênh.
Sự kiện đã khép lại thành công tốt đẹp.