Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh “tái thiết” hậu khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới cho nhân lực ngành Du lịch. Theo đó, không chỉ cần nhạy bén về xu hướng sản phẩm, điểm đến, tâm lý khách du lịch mà lao động ngành du lịch còn phải trang bị kiến thức và kỹ năng công nghệ ứng dụng trong du lịch.
Khoảng cách khá xa về chất lượng
Nhìn vào thực trạng đang diễn trên thế giới và du lịch tại Việt Nam, cho thấy doanh nghiệp lữ hành đang chạy theo cuộc đua chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động vận hành. Nhiều điểm đến ứng dụng công nghệ du lịch thông minh như Cổng thông tin, thuyết minh tự động... Công nghệ đã trở thành xu thế tất yếu của ngành Du lịch. Do đó, chìa khóa để nhân lực du lịch đánh gục nhà tuyển dụng ngoài kiến thức chuyên môn còn là kỹ năng công nghệ để phục vụ công việc thực tế tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên nhìn vào thực tế, công tác đào tạo nhân lực du lịch vẫn còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Sau tuyển dụng, dù nhân sự đúng chuyên môn ngành học hay không, các doanh nghiệp vẫn tốn khá nhiều thời gian, công sức đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng. Trong đó phải kể đến sự yếu kém từ những kiến thức cơ bản như tin học văn phòng cho tới các công cụ, ứng dụng, phần mềm du lịch khác được sử dụng trong phần lớn doanh nghiệp du lịch hiện nay.
>> Xem thêm: Bức tranh Chuyển đổi số Ngành Du lịch Việt Nam
Cần sự liên kết phối hợp
Từ thực tế trên cho thấy, việc hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo chuyên sâu với các đơn vị du lịch cần được tăng cường hơn nữa. Đánh giá một cách khách quan, tôi cho rằng việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch số không thể giải quyết trong ngắn hạn mà cần sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả giữa 3 nhà: Nhà trường - Nhà tuyển dụng - Nhà nước.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của ngành du lịch đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, đáp ứng nhu nhu cầu của ngành du lịch và xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Sinh viên cần được cung cấp cả hiểu biết, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao để vừa đào tạo đúng nhu cầu, vừa nâng cao chất lượng nhân lực.
Mặt khác, một trong những rào cản hàng đầu đó là truyền thông và thay đổi tư duy của sinh viên. Đa số các em chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của các kỹ năng công nghệ cho hành trang công việc của mình, do đó thiếu sự chủ động cũng như động lực để tham gia các khoá đào tạo, các chương trình.
Là doanh nghiệp tiên phong trong cung cấp giải pháp số cho ngành Du lịch, VietISO xây dựng chương trình “Đào tạo, định hướng nhân lực Du lịch 4.0” để tạo cơ hội cho các bạn trẻ trải nghiệm, cọ xát, tạo lợi thế cạnh tranh và cơ hội việc làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên - thế hệ nhân lực du lịch mới đồng hành cùng VietISO tạo ra những thay đổi ý nghĩa, góp phần xây dựng và phát triển ngành Du lịch Việt Nam.