Những thách thức do dịch bệnh CoVid-19 gây ra đã và đang đẩy Ngành Du lịch vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực hơn, CoVid-19 được coi là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số du lịch, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.

Chuyển đổi để thích ứng

Thông qua việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chính phủ Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Dưới tác động của đại dịch Covid19, Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành giải pháp tất yếu đối với tất cả ngành nghề, trong đó có Du lịch.

Có thể nói, COVID-19 đã làm xoay chuyển mọi hoạt động của Ngành Du lịch. Lượng khách quốc tế chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương 19 tỷ USD.

Dù đã đi gần hết mùa hè năm 2021, toàn xã hội vẫn đang gồng mình chống dịch, hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như tê liệt. Doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch và cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng hủy tour hàng loạt, người lao động bị mất việc làm kéo dài. Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho thấy hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Covid-19 cho thấy Du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các DNDL triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn

Chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm,…).

Về hiệu quả kinh doanh, nó giúp mở rộng thị trường, nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Chuyển đổi số là giải pháp phù hợp nhất, mang lại sức mạnh giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình vận hành, phát triển bền vững.

Chuyển đổi để phát triển đường dài

Ngành Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp phần không nhỏ vào tổng GDP quốc nội. Cho nên, việc định hướng phát triển ngành, luôn cách tân, đổi mới là rất quan trọng và nhất là trong cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu. Sự cách tân được thể hiện qua những chính sách kích cầu, phát triển bền vững, kết hợp với công cuộc chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành sẽ giúp ngành Du lịch Việt Nam đứng vững và phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.

Theo dự đoán của các chuyên gia, dịch bệnh có thể còn kéo dài, nếu doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng qua hình thức online thì thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Ngược lại, sự chậm trễ trong chuyển đổi số khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Đối với những doanh nghiệp có quy mô từ vừa đến lớn thường có nhiều quy trình phức tạp như bán hàng, marketing, điều hành, kết nối đối tác, chăm sóc khách hàng, kế toán,... Vì vậy, việc ứng dụng Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tăng tính liên kết toàn hệ thống, ổn định và kiểm soát chất lượng dịch vụ, tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng,...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số vào hệ thống kinh doanh giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc kết nối thuận tiện, tương tác nhanh chóng, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng. Từ đó, hiệu quả và năng suất của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số ngành Du lịch đã cho ra đời mô hình du lịch thông minh được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự tương tác chặt chẽ giữa 3 bên là cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất.

Trong kỷ nguyên 4.0, khách hàng trở thành đối tượng trung tâm, là những người trực tiếp sử dụng, đánh giá dịch vụ. Và chuyển đổi số hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng từ trải nghiệm chân thực, phong phú đến cam kết tính minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện,...

Có thể thấy, Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích trong quá trình phục hồi cũng như định hướng phát triển ngành Du lịch. Mặt khác, thực hiện thành công Chuyển đổi số sẽ giúp du lịch của Việt Nam bắt kịp với sự phát triển du lịch của các quốc gia khác trong khu vực.

Để Chuyển đổi số, doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?

Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể tham khảo 3 bước cơ bản dưới đây để tìm ra hướng đi phù hợp riêng:

Bước 1: Nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Lãnh đạo trong một tổ chức cần là người nhận thức đúng đắn nhất về tầm quan trọng, ích lợi mà chuyển đổi số đem lại để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên.

Bước 2: Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động. Doanh nghiệp cần xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới trong môi trường số, lên kế hoạch hành động ở từng giai đoạn cùng với nội dung chi tiết.

Bước 3: Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động và các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi. Từ đó tập trung đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới, cuối cùng là thực hiện chuyển đổi

Ông Nguyễn Quyết Tâm – Giám đốc Công ty VietISO, Chuyên gia tư vấn Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ: “Chuyển đổi số thành công hay không dựa vào ba yếu tố cốt lõi. Đầu tiên, lãnh đạo doanh nghiệp cần có tư duy tổng quan về cách vận hành số hóa. Tiếp đó, cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp để dễ dàng thích nghi. Cuối cùng, ứng dụng Chuyển đổi số để thay đổi quy trình.”

Từng bước nâng cao hiệu quả chuyển đổi số

Để giúp các doanh nghiệp vững vàng hơn khi bước chân vào lĩnh vực chuyển đổi số, các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều hoạt động tích cực cùng chính sách mới như phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm du lịch an toàn đối với điểm đến, nâng cấp ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn, xây dựng hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin là những hoạt động quan trọng trong mục tiêu phục hồi ngành Du lịch sau khủng hoảng đại dịch.

Tiếp đó, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, các ứng dụng di động tiện lợi, nâng cao trải nghiệm khách hàng và kết nối mạng lưới các doanh nghiệp lữ hành là hướng phát triển bền vững mà ngành du lịch hướng tới trong tương lai

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, cùng ý thức, trách nhiệm, nỗ lực cố gắng từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền địa phương. Bởi chuyển đổi số không chỉ là về mặt công nghệ, mà phải chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... Điều này đòi hỏi sự đổi mới cả tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp.

Tình hình dịch CoVid-19 còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi Ngành du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường.

Đăng bởi: Phuong Thao | 28 Tháng 9,2021

Tin mới nhất

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch
Chuyển đổi số | 01 Tháng 10,2020

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch

Diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào sáng 30/9.
Xem thêm
Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam
Chuyển đổi số | 07 Tháng 10,2020

Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam

iTourism - Trạng thái “bình thường mới” do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra nhiều xu hướng du lịch mới, trong đó “Chuyển đổi số” được coi là lựa chọn phù hợp với xu thế quốc tế, vừa góp phần phục hồi ngành du lịch, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Đây là nội dung của Diễn đàn Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch diễn ra vào sáng ngày 30/09 tại Hà Nội.
Xem thêm
Nâng chất nhân lực du lịch chuyển đổi số
Chuyển đổi số | 07 Tháng 7,2022

Nâng chất nhân lực du lịch chuyển đổi số

iTourism - Việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch số không thể giải quyết trong ngắn hạn mà cần sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả giữa 3 nhà: Nhà trường - Nhà tuyển dụng - Nhà nước.
Xem thêm
Giải pháp nâng cao chất lượng và đào tạo nhân lực du lịch chuyển đổi số
Chuyển đổi số | 02 Tháng 7,2022

Giải pháp nâng cao chất lượng và đào tạo nhân lực du lịch chuyển đổi số

Vừa qua, chương trình “Đào tạo, định hướng nhân lực Du lịch 4.0” do VietISO tổ chức đã đào tạo cho gần 200 sinh viên, chính thức đón nhận 65 thực tập sinh tham gia vào các dự án Chuyển đổi số Du lịch trọng điểm.
Xem thêm