Tham dự chương trình, có ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và truyền thông; ông Bùi Đức Nam - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa Bình; ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; ông Lê Chí Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc; cùng đại diện đến từ các giải pháp công nghệ số Make in Vietnam và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ TTTT.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT - TT, Bộ TTTT đã nêu rõ mối quan hệ tương quan giữa công nghệ và du lịch, vai trò của công nghệ số trong phát triển du lịch. Đồng thời nhấn mạnh tinh thần đồng hành của Cục và các giải pháp số Make in Viet Nam trong phát triển du lịch Hoà Bình. Hội thảo “Kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số khu vực miền Bắc” là sự kiện đặt nền móng cho hoạt động này.
Tại Hội thảo, Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã trình bày thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển du lịch và nhu cầu ứng dụng số thúc đẩy du lịch thông minh tại tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Xuân Trường - PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình chia sẻ thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và phát triển du lịch và nhu cầu ứng dụng số thúc đẩy du lịch thông minh tại tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo, triển khai Quyết định số 785/QĐ-UBND ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó lĩnh vực văn hóa, du lịch là hai trong số các lĩnh vực được ưu tiên.
Thực hiện kế hoạch trên, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Hoà Bình tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác truyền thông về du lịch, tăng tiếp cận khách du lịch, từ đó nâng cao khả năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp tiện ích cho du khách và tích hợp 36 điểm số hóa về du lịch cộng đồng, các điểm đến du lịch các nhà hàng, khách sạn trên Cổng du lịch thông minh của tỉnh để du khách có thể xem, nghe, đọc theo hướng tiếp cận thông tin đa dạng, khai thác hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của du lịch Hòa Bình.
Đối với việc quản lý khách lưu trú du lịch, Công an tỉnh đã triển triển khai mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú và các địa phương đang thực hiện khá hiệu quả, góp phần tích cực trong việc quản lý du khách lưu trú. Song song đó, người dân và doanh nghiệp cũng đang áp dụng các giải pháp công nghệ như ứng dụng di động, đánh giá khách hàng (Rating & Review), thực tế ảo (VR) và bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội để nâng cao trải nghiệm và tiếp cận khách hàng.
Để phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và mang tính đổi mới hơn, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quảng bá giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu 3D, số hóa thông tin di tích, xây dựng cơ sở dữ liệu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Mục tiêu lâu dài của việc xây dựng các cơ sở dữ liệu là bảo tồn di sản, đồng thời tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch, lan tỏa giá trị di sản và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Chia sẻ về nhu cầu ứng dụng số thúc đẩy du lịch thông minh tại tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Xuân Trường cho biết: “Trong Ngành Du lịch, nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ khoảng cách và tăng cường kết nối giữa khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, tổ chức du lịch, điểm đến và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Các bên có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, tương tác và phối hợp chặt chẽ hơn. Chính vì vậy nhu cầu ứng dụng số thúc đẩy du lịch thông minh tại tỉnh Hòa Bình là rất lớn và cấp thiết.” Ông cũng bày tỏ mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp công nghệ sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh trong việc triển khai các giải pháp số, giúp du lịch Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ, từ đó khẳng định vị thế của tỉnh trên bản đồ du lịch quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về tầm quan trọng của các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đối với sự phát triển của du lịch địa phương. Nhiều chuyên gia chuyển đổi số và lãnh đạo tập đoàn công nghệ tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp sáng tạo nhằm ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả nhất.
Các ý kiến đều nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tăng hiệu quả hoạt động mà còn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động và kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam với chi phí rẻ hơn, tốt hơn, dễ tiếp cận hơn sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chuyên gia chuyển đổi số du lịch chia sẻ tầm quan trọng của Nền tảng số trong chuyển đổi số du lịch, đồng thời đưa ra khuyến nghị để đưa Hòa Bình trở thành điểm đến du lịch thông minh.
Chia sẻ về hệ sinh thái giải pháp số thúc đẩy phát triển điểm đến du lịch thông minh, Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chuyên gia Chuyển đổi số du lịch nhận định Nền tảng số là giải pháp toàn diện và tối ưu nhất có thể giải quyết trọn vẹn các bài toán phát triển du lịch tại địa phương. Với đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, mỗi nền tảng cần đáp ứng được nhu cầu riêng của mỗi nhóm đối tượng trong ngành, song lại cần có sự kết nối mở, liên kết chặt chẽ để có thể khai thác tối đa giá trị dữ liệu. Từ chuyển đổi số tiến tới chuyển đổi xanh, từ phát triển du lịch xanh tới phát triển du lịch thông minh, bền vững và tái tạo.
"Với địa phương có nhiều lợi thế phát triển trở thành điểm đến du lịch thông minh, tôi khuyến nghị mỗi địa phương cần sớm xúc tiến ứng dụng Nền tảng số vào thực tiễn. Hệ thống CSDL du lịch Việt Nam - iTourism luôn sẵn sàng để giúp du lịch của Hòa Bình cũng như các địa phương khác tăng tốc chuyển đổi số” - ông Tâm nhấn mạnh.
Thực hiện giải pháp chuyển đổi số du lịch, ứng dụng các công nghệ nghệ số Make in Viet Nam chính là tiền đề giúp xây dựng điểm đến thông minh, thành phố du lịch thông minh. Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhóm giải pháp sau:
(1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp du lịch và du khách giúp liên kết, hợp tác thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số.
(2) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia chuyển đổi số.
(3) Tập trung phát triển Nền tảng số Ngành Du lịch giúp tăng cường sự kết nối giữa các đối tượng trong Ngành: cơ quan quản lý, tổ chức du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch và khách du lịch.
(4) Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử.
(5) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực du lịch số nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số.
(6) Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong Ngành Du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ Make in Viet Nam đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Với quyết tâm mạnh mẽ, sự nỗ lực không ngừng và hành động quyết liệt từ hệ thống quản lý, các tổ chức, cơ quan, người dân và doanh nghiệp, Hòa Bình kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu vượt bậc trong việc thúc đẩy du lịch thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Tỉnh sẽ triển khai các hoạt động với phương châm mở rộng hơn, toàn diện hơn, nhanh chóng hơn, chất lượng hơn và thực tiễn hơn.