Với tiềm năng phong phú về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, Hòa Bình đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch thông minh và bền vững. Tại hội thảo “Kết nối cung cầu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phát triển kinh tế số khu vực miền Bắc”, ông Nguyễn Quyết Tâm - Chuyên gia chuyển đổi số du lịch nhận định cần từng bước đổi mới cách làm du lịch trong kỷ nguyên số, đồng thời khuyến nghị thực hiện 6 nhóm giải pháp chiến lược để phát huy lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch tại địa phương.
Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chuyên gia Chuyển đổi số du lịch khuyến nghị giải pháp xây dựng Hòa Bình trở thành điểm đến du lịch thông minh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Tâm khẳng định tầm quan trọng và giá trị của nền tảng số trong mô hình điểm đến du lịch thông minh. Cụ thể, bản chất của chuyển đổi số hay du lịch thông minh không chỉ là ứng dụng đơn lẻ các công nghệ như VR, AI mà còn ở khả năng giải quyết các bài toán cốt lõi: số hóa dữ liệu đầu vào, quy hoạch và khai thác giá trị dữ liệu để tối ưu hóa hiệu quả đầu ra. Công nghệ được triển khai nếu không đáp ứng được những yếu tố này thì mới chỉ dừng lại ở mức ứng dụng công nghệ thông tin, chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững.
Với địa phương có nhiều lợi thế để phát triển và trở thành điểm đến du lịch thông minh như Hòa Bình, ông Tâm đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp chiến lược, tập trung vào 6 khía cạnh chính:
(1) Số hóa hệ thống dữ liệu tài nguyên du lịch trên một nền tảng thống nhất
Với lợi thế sở hữu một kho tàng tài nguyên du lịch phong phú, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang sở hữu 4 khu bảo tồn thiên nhiên, 173 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó có 110 di tích đã được xếp hạng (01 di tích quốc gia đặc biệt, 40 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh).
Tỉnh còn bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 ngàn chiếc chiêng quý giá, 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ, Tri thức dân gian Lịch Tre của dân tộc Mường và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu.
Để phát huy tối đa giá trị của những tài nguyên du lịch này, việc triển khai số hóa dữ liệu tài nguyên du lịch trên một nền tảng công nghệ mạnh mẽ và thống nhất là vô cùng quan trọng. Số hóa sẽ giúp quản lý và quảng bá tài nguyên du lịch hiệu quả hơn, đồng thời mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch bền vững.
Đặc biệt, đây cũng là một phần quan trọng trong việc thực hiện Quyết định 2654/QĐ-BVHTTDL năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về điều tra tài nguyên du lịch.
(2) Triển khai chuyển đổi số, phát triển điểm đến thông minh tại các Khu, Điểm du lịch
Xây dựng kế hoạch chi tiết và toàn diện cho việc áp dụng chuyển đổi số tại các khu du lịch cấp tỉnh, bao gồm việc triển khai hệ thống thông tin, áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp với đặc thù của từng điểm du lịch. Ứng dụng công nghệ thông minh cho du khách như các nền tảng di động giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin về các điểm du lịch.
Đồng thời, cần phát triển hệ thống quản lý và giám sát thông minh tại các khu du lịch nhằm đảm bảo an ninh, bảo vệ tài nguyên cũng như triển khai các chiến lược truyền thông số để quảng bá hình ảnh điểm đến, nâng cao nhận thức và thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
(3) Hoàn thiện triển khai hệ thống Audio Guide
Hệ thống này sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và hiểu sâu hơn về các tài nguyên du lịch, cũng như các giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương mà không cần phải phụ thuộc vào hướng dẫn viên trực tiếp.
Đây cũng là cơ hội giúp ban quản lý điểm đến nâng cao hình ảnh, chuyên nghiệp hóa dịch vụ, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương một cách bền vững.
(4) Xây dựng CSDL du lịch tập trung
Để khai thác, đồng bộ cơ sở dữ liệu và nâng cao năng lực quản lý dựa trên công nghệ hiện đại, tỉnh Hòa Bình cần tích hợp và kết nối các dữ liệu về sản phẩm du lịch, khu điểm đến, doanh nghiệp du lịch,... một cách tập trung.
Cụ thể: (1) Xây dựng nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin và các cơ chế, quy định để kết nối, tích hợp dữ liệu của các cơ quan quản lý, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch. (2) Nâng cao khả năng tương tác trên môi trường số giữa cơ quan quản lý, địa phương với các doanh nghiệp du lịch nhằm kết nối cung cấp thông tin. (3) Kết nối, chia sẻ dữ liệu Ngành Du lịch và các ngành, lĩnh vực liên quan như xuất nhập cảnh, hàng không, ngoại giao, thương mại, ngân hàng.
(5) Đào tạo nâng cao năng lực nhân lực du lịch số
Chuyển đổi số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và linh hoạt hơn. Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, việc đào tạo cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số, cải thiện khả năng ứng dụng kỹ năng số trong quản lý và vận hành. Đồng thời, các cơ quan quản lý, tổ chức ngành du lịch, và các đối tác công nghệ cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lựa chọn và triển khai các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tế.
Với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số du lịch tỉnh Hòa Bình, hướng tới mô hình du lịch thông minh, VietISO luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng và cung cấp các tài liệu hướng dẫn sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
(6) Triển khai ứng dụng giải pháp chuyển đổi số cho khối Doanh nghiệp Du lịch
Để du lịch Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại và văn minh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cần sớm xúc tiến ứng dụng Nền tảng số du lịch vào thực tiễn. Tuy nhiên, Nền tảng số được triển khai cần đáp ứng được nhu cầu riêng của mỗi nhóm đối tượng trong ngành, đồng thời cần có sự kết nối mở, liên kết chặt chẽ để có thể khai thác tối đa giá trị dữ liệu. Từ chuyển đổi số tiến tới chuyển đổi xanh, từ phát triển du lịch xanh tới phát triển du lịch thông minh, bền vững và tái tạo.
Bằng việc triển khai 5 nhóm nội dung trên, các điểm đến du lịch, cộng đồng du lịch tại Hòa Bình có thể phát huy được lợi thế bản địa và hòa nhập với những xu hướng mới của ngành trong kỷ nguyên số. Khi địa phương chủ động thích ứng và phát triển, bức tranh du lịch của Hòa Bình sẽ ngày trở nên tươi sáng và bền vững hơn.