Chiều ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang”.
Chương trình nằm trong khuôn khổ của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2023 (Techfest Bắc Giang năm 2023). Đây là diễn đàn trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về đóng góp quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với ngành du lịch Bắc Giang.
Tham dự hội thảo có đồng chí Mai Sơn - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đồng chí Thân Ngọc Hoàng - Phó vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN); đồng chí Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số Sở KH&CN trung du và miền núi phía Bắc; lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn và đại biểu đến từ các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đ/c Mai Sơn - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Mai Sơn - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đánh giá: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội, văn hóa, con người và thiên nhiên không chỉ ở phạm vi của địa phương, quốc gia, mà còn trong khu vực và toàn cầu. Qua đó, góp phần vào bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường; tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân, ổn định xã hội, phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.
Mặc dù vậy, tốc độ phát triển du lịch Bắc Giang còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, tại hội thảo lần này, đồng chí Mai Sơn mong muốn nhận được các ý kiến góp ý, chia sẻ và gợi mở với Bắc Giang những kinh nghiệm, giải pháp về công tác quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, xây dựng và cấp phép xây dựng trong phát triển du lịch cộng đồng; những giải pháp KH&CN nhằm khai thác tiềm năng du lịch trong xu thế công nghệ 4.0 hiện nay; kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với khai thác du lịch tâm linh/du lịch sinh thái; vấn đề phát triển các sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với du lịch.
Đ/c Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá, trao đổi về xu hướng phát triển du lịch của thế giới, định hướng phát triển du lịch của Việt Nam và những gợi mở đối với tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển du lịch gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Theo đó, nhiều giải pháp, gợi mở được đại biểu đề cập như: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; tăng cường liên kết vùng để khai thác tuyến, điểm và sản phẩm du lịch, đáp ứng tính đa dạng, hấp dẫn. Ứng dụng những giải pháp công nghệ để nâng cao năng lực quản lý sản phẩm, tài nguyên du lịch; chú trọng thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái.
Ông Nguyễn Quyết Tâm - Chuyên gia chuyển đổi số du lịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VietISO trình bày tham luận "Chuyển đổi số - Giải pháp phát triển du lịch Bắc Giang trong bối cảnh CMCN 4.0"
Để phát triển du lịch Bắc Giang thông qua chuyển đổi số, ông Nguyễn Quyết Tâm - Nhà sáng lập Nền tảng số iTourism khuyến nghị, tỉnh nên tập trung vào 4 chiến lược chính gồm: Đổi mới sáng tạo sản phẩm du lịch với mục tiêu nâng cao trải nghiệm tại mỗi điểm chạm trên hành trình của du khách. Cần có sự kết nối các thành phần vai trò chính trong ngành du lịch với nhau dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra môi trường hiệu quả hơn cho việc thu thập và xử lý dữ liệu, nâng cao trải nghiệm người dùng. Cùng đó, phát triển doanh nghiệp du lịch thông minh, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh.
Đồng tình với quan điểm đó, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Ông Hà Văn Siêu cho biết, ứng dụng công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến cung và cầu du lịch, hình thành các xu hướng du lịch mới như du lịch thông minh, du lịch sáng tạo. Nhiều điểm đến đã đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, du lịch thực tế ảo… để mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn. Thực tế này đòi hỏi các điểm đến, các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch Bắc Giang cần phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn để phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ để không ngừng hoàn thiện năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, sản phẩm du lịch.
Các đại biểu chia sẻ tham luận và đưa ra những gợi mở đối với tỉnh Bắc Giang.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo, các ý kiến đề xuất tỉnh cần thống kê, đánh giá tài nguyên du lịch đầy đủ và chi tiết; xác định điểm mạnh, độc đáo mà tỉnh có thể tận dụng để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cao. Song song với việc tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, Bắc Giang cần tập trung đầu tư, hoàn thiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ hỗ trợ cho tiếp cận điểm đến và trải nghiệm của du khách. Tỉnh cần xây dựng, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch được triển khai thuận lợi, nhất quán.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam đã trao biên bản hợp tác trong hoạt động phát triển du lịch huyện Lục Ngạn.