Được đánh giá có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế nổi trội so với các quốc gia khác trong khu vực, tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức khiến du lịch Việt Nam chưa thể bứt phá như kỳ vọng. Lượng khách du lịch cũng như doanh thu vẫn bị bỏ xa so với các nước láng giềng.

Chưa khai thác và tận dụng triệt để lợi thế của Ngành Du lịch Việt Nam

Nhìn chung, du lịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về tài nguyên, văn hóa. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch Việt Nam còn khá yếu so với các nước trong khu vực.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ, Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên cùng với văn hóa - lịch sử vô cùng đa dạng, đặc sắc. “Khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích thú với sắc thái văn hóa đa dạng mà không phải quốc gia nào cũng có. Đây chính là lợi thế lớn. Nhưng tiếc rằng, ngành Du lịch "làm chưa tới".

Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch tàu biển, tuy nhiên lượng khách du lịch Việt Nam bằng tàu biển vẫn còn ở mức thấp, mức thu từ nhóm đối tượng khách này cũng không cao.

Nhận định thẳng thắn về vấn đề này, Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Mr Linh’s Adventure Nguyễn Tuấn Linh bày tỏ: “Tiềm năng biển là thế mạnh để Việt Nam đột phá về du lịch. Tiếc rằng, cơ sở hạ tầng, giao thông cùng với những chính sách khuyến khích du lịch còn nhiều hạn chế, gây cản trở đối với sự phát triển của du lịch”. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm bên cạnh việc quảng bá thương hiệu.

Hạn chế trong chính sách Visa

Bên cạnh tính hấp dẫn của sản phẩm còn yếu thì việc thắt chặt visa cũng gây ra rất nhiều khó khăn và bất lợi cho việc thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Tổng Giám đốc Công ty Liên Bang Travel Từ Quý Thành chia sẻ: “Nhiều nước mở visa du lịch không giới hạn để thu hút khách đến, trong khi đó chúng ta lại có quá nhiều quy định chặt chẽ nên chưa thu hút được lượng khách du lịch quốc tế như mong đợi”.

Quy trình, thủ tục cấp visa cho khách du lịch cũng còn những mặt hạn chế chưa phù hợp. Khó khăn trong chính sách visa cùng với những bất cập về cơ sở hạ tầng, quá tải sân bay, ùn tắc giao thông sẽ tạo tâm lý e ngại cho du khách.

Do đó, cần tiến hành đổi mới để hoàn thiện chính sách visa đồng thời bổ sung các dịch vụ bổ trợ để giải trí, thưởng ngoạn để kích thích mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam, nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngành Du lịch Việt Nam Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, cần tiến hành đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh quốc gia đến với du khách quốc tế thông qua các văn phòng xúc tiến ở nước ngoài.

Nhận định về lợi thế, hạn chế của Ngành Du lịch Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia) cho rằng, ngành Du lịch cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển sản phẩm đồng bộ theo hướng đa dạng, khác biệt. Tập trung phát triển du lịch biển gắn với hệ thống sản phẩm nghỉ dưỡng, xây dựng du lịch văn hóa gắn liền di sản, lễ hội; phát triển du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề kết hợp nghỉ tại nhà dân. Đẩy mạnh cung cấp loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá hang động, du lịch núi và nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông cho rằng du lịch Việt Nam cần mở rộng, khai thác các loại hình du lịch mới như du thuyền, caravan, du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch chăm sóc sắc đẹp..., nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, cần chú trọng phát triển bền vững, tăng cường liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên vùng; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng tại các trung tâm và tuyến điểm du lịch, chuẩn hóa, tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm du lịch; tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các khu.

Nhìn chung, du lịch Việt Nam mặc dù có tiềm năng và lợi thế vượt trội nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn về chính sách và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Để tạo sức bật mới cho du lịch Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tập trung, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt, từ đó phát triển bền vững và khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Đăng bởi: Thùy Trang | 02 Tháng 8, 2024

Tin mới nhất