Các chương trình kích thích du lịch nội địa Việt Nam sau làn sóng dịch đầu tiên đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn những lo ngại về chương trình chuyển đổi số để phát triển du lịch, khi chỉ 7% khách hàng tự tin đặt vé trực tuyến.
Ngày 3/10, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) đã cảnh báo ngành du lịch toàn cầu có thể giảm 60-80% cùng với hơn 100 triệu việc làm trực tiếp trong ngành gặp rủi ro, và xuất khẩu giảm khoảng 910-1.200 tỷ USD.
Đồng thời, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự báo năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam có thể giảm ít nhất 70%, khách nội địa giảm 50% và khách đi nước ngoài giảm 85%. Điều này dẫn tới doanh thu giảm hơn 61% so với năm ngoái.
Nhìn chung, các tổ chức đều nhận định đại dịch Covid-19 đang tàn phá nền kinh tế du lịch, với những ảnh hưởng chưa từng có đối với việc làm và doanh nghiệp. UNWTO nhấn mạnh, việc phục hồi ngành "công nghiệp không khói" này liên quan đến việc chuyển đổi ngành, tái cơ cấu lại các điểm du lịch và kinh doanh, xây dựng lại hệ sinh thái du lịch, đổi mới cùng với đầu tư vào du lịch bền vững.
Tổng cục Du lịch cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động trong ngành rơi vào cảnh mất việc làm. Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, gần 90% doanh nghiệp lữ hành đang phải ngưng hoạt động; số còn lại hoạt động cầm chừng, chủ yếu giải quyết các công việc tồn đọng.
Hồi tháng 5, khi đại dịch phần nào được kiểm soát, Việt Nam cũng đã phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Chương trình này đã có những dấu hiệu tích cực, trong đó lượng khách đến Hà Nội vào tháng 7 đạt khoảng 1,2 triệu khách, tăng 51,2% so với tháng 6. Ngoài ra, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong tháng 6 ước đạt 454.764 khách, tăng 85% so với tháng 5.
Song, chỉ mới vừa khởi động lại, chưa kịp phục hồi thì ngành du lịch Việt Nam lại tiếp tục gồng mình ứng phó với làn sóng đại dịch lần 2. Nhóm nghiên cứu của Maybank Kim Eng cũng cho biết ngành dịch vụ của Việt Nam trong thời gian tới sẽ giảm do nhu cầu thấp hơn và ngành du lịch không thực sự phục hồi.
Doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với 3 tháng còn lại của năm với rất nhiều thách thức, cụ thể: giải quyết những vấn đề liên quan quyền lợi và trách nhiệm với khách hàng; việc hủy phạt của đối tác cung cấp dịch vụ, giải quyết tình trạng nhân sự dôi dư do không đủ việc làm; duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2021.
Theo đó, Việt Nam đang chuẩn bị ra mắt ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Ứng dụng này nhắm vào đối tượng hơn 43 triệu người dùng điện thoại di động thông minh.
Đây được đánh giá là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc khuyến cáo điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai.
Mặc dù vậy, tại diễn đàn "Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam" ngày 30/9, Tổng Giám đốc Gotadi, ông Ngô Minh Đức nêu rõ: "Theo khảo sát của công ty, mặc dù công nghệ và internet phát triển nhanh chóng nhưng chỉ có 7% khách hàng tự tin đặt vé trực tuyến".
Việc chuyển đổi số nhằm kích thích ngành du lịch vẫn còn là một vấn đề vô cùng nan giải. Đại diện Gotadi giải thích: "Chuyển đổi số là quá trình đắt đỏ, không dễ dàng, cần nhận thức và cả sự bảo hộ của Chính phủ. Nền tảng của Việt Nam rất khó so sánh với các nước có nền công nghiệp mạnh, do vậy cần tạo cộng đồng liên kết mạnh hỗ trợ lẫn nhau".
Cũng tại đây, Giám đốc TravelLogy, ông Vũ Văn Tuyên đã bày tỏ mong muốn Chính phủ, các hiệp hội du lịch hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ về mặt tài chính mà cả đào tạo về chuyển đổi số theo định hướng rõ ràng hơn.