Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ VH-TT&DL cùng Bộ Y tế nghiên cứu thông tin được đưa trên báo Tuổi Trẻ về việc các nước đón khách quốc tế, phục hồi ngành công nghiệp du lịch.
Cầu Vàng (TP Đà Nẵng), điểm đến ưa thích của du khách quốc tế - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quý Phương - vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - về việc chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Chú trọng khách nội địa
Thưa ông, sau văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Du lịch có kế hoạch như thế nào cho việc mở cửa đón khách quốc tế?
Chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch để chuẩn bị đón khách quốc tế cũng như các chương trình kích cầu để thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa. Trước mắt, chúng tôi xác định thị trường nội địa là thị trường chính trong giai đoạn hiện nay. Kết quả đợt xúc tiến du lịch giai đoạn 1 rất khả quan nhưng bị gián đoạn bởi đợt bùng phát dịch lần thứ hai.
Hiện nay chúng tôi triển khai tiếp đợt kích cầu du lịch thứ hai với tinh thần kết nối các địa phương, tạo ra các liên minh kích cầu, đảm bảo triển khai du lịch an toàn, đồng thời tạo thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ông Nguyễn Quý Phương
Cụ thể kế hoạch cho đợt kích cầu thứ hai ra sao, thưa ông?
Ở giai đoạn kích cầu lần hai thì ngoài khách Việt Nam như lần kích cầu thứ nhất, chúng tôi hướng tới đối tượng khách là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và người Việt Nam có kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Hiện sản phẩm du lịch mùa thu Hà Nội, mùa lúa chín ở các tỉnh Tây Bắc đang rất hấp dẫn du khách. Từ Hòa Bình trở lên Tây Bắc về cơ bản cuối tuần các cơ sở lưu trú homestay đều kín phòng.
Cùng với đó, chúng tôi đang triển khai các kế hoạch đảm bảo mở cửa thị trường theo từng giai đoạn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, để mỗi giai đoạn đều đảm bảo du lịch an toàn và có sản phẩm phù hợp với từng thị trường. Theo nghiên cứu của ngành du lịch thì nhu cầu đi du lịch của khách cũng thay đổi nhất định như tự đi theo nhóm nhỏ, gia đình, du lịch trải nghiệm thiên nhiên tăng hơn. Du lịch chi tiêu cao, du lịch xa sẽ bị ảnh hưởng. Nên chúng tôi xác định thị trường mục tiêu là các thị trường gần như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và thị trường trong nước.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu cùng với Bộ Y tế để đề xuất từng bước mở cửa dần các thị trường du lịch an toàn, đảm bảo các hành lang du lịch an toàn để hoạt động du lịch dần trở lại bình thường.
Những vị khách quốc tế hiếm hoi dạo quanh bờ biển Nha Trang chủ yếu là những người còn hạn visa hoặc sống và làm việc tại đây - Ảnh: MINH CHIẾN
Chuẩn bị đón khách quốc tế
Tổng cục Du lịch có đề xuất giải pháp cụ thể gì để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế?
Chúng tôi đang tính đến đề xuất từng bước mở visa du lịch với một số thị trường an toàn. Hiện nay một số nước đã mở visa du lịch rồi. Chúng tôi hi vọng sẽ sớm phối hợp với Bộ Y tế đề xuất có được visa du lịch vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời hướng tới được thị trường du khách có nhu cầu đi du lịch Việt Nam. Và một giải pháp quan trọng là đưa ra được các sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường hiện nay.
Để mở thị trường khách du lịch quốc tế thì ngoài nỗ lực của ngành du lịch còn cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao bởi liên quan đến việc mở đường bay, kết nối thị trường.
Ông nghĩ sao về chính sách cấp visa du lịch dài hạn như Thái Lan đang đưa ra? Việt Nam liệu có đưa ra giải pháp đột phá tương tự không?
Chúng tôi vẫn luôn đề xuất các chính sách miễn visa, đơn giản thủ tục, mở rộng cấp visa điện tử... Trước mắt, chúng tôi mới đề xuất sớm mở lại visa du lịch. Sau đó mới là các bước tiếp theo. Trong khi chờ đợi mở visa du lịch, chúng tôi vẫn tích cực triển khai các hoạt động quảng bá du lịch trên mạng, tổ chức các cuộc thi ảnh, thi clip du lịch, tham gia hội chợ online, giới thiệu điểm đến...
Dự kiến vào cuối tháng 10, chúng tôi phối hợp với kênh truyền hình CNN để quảng bá du lịch Việt Nam vào thời điểm kênh truyền hình này đang thu hút lượng theo dõi rất lớn từ người dân toàn thế giới bởi đợt cao điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TP.HCM là nơi thu hút đông đảo du khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Hoàng Nhân Chính (trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch TAB):
Cần quy trình đón khách du lịch
Để phục hồi ngành du lịch thì phải đón được khách quốc tế. Khách du lịch nội địa hiện nay rất ít lãi, đóng góp vào GDP không đáng bao nhiêu. Nhưng mở cửa thế nào thì cần phải tính toán. Các bước đi của Thái Lan là một cách cho chúng ta nghiên cứu hoặc cách mà các nước Úc, châu Âu họ đang tạo ra hành lang du lịch an toàn (bong bóng du lịch) với các chuyến bay, công ty du lịch, điểm đến, điểm đi đều an toàn.
Chính sách cấp visa du lịch dài hạn như của Thái Lan rất đáng tham khảo. Bởi có những doanh nghiệp có thể đón các đoàn khách Nhật Bản đến nghỉ dưỡng dài hạn ở một nơi biệt lập của Việt Nam. Họ đi chuyên cơ riêng và di chuyển bằng con đường riêng đến khu resort. Nếu có visa du lịch dài hạn và cho phép đón các đoàn khách này thì rất tốt. Tuy nhiên Luật xuất nhập cảnh của ta hiện nay quy định thời hạn tối đa cho visa du lịch là 30 ngày, còn các nước được miễn visa thì thời hạn chỉ 15 ngày.
Để chuẩn bị đón khách quốc tế, Tổng cục Du lịch phải đưa ra quy trình chuẩn đón khách du lịch thế nào cho an toàn. Hàng không luôn ở trạng thái sẵn sàng chở khách quốc tế Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hàng không Việt Nam đều ở trạng thái sẵn sàng cho việc chở du khách quốc tế vào Việt Nam miễn là các cơ quan liên quan, Chính phủ cho phép thực hiện sau khi có giải pháp kiểm soát dịch bệnh phù hợp. Bởi các hãng hàng không đều có kinh nghiệm và năng lực khai thác quốc tế từ chuyến bay thường lệ đến chuyến bay thuê chuyến tới những địa điểm mới.
Về máy bay, phi công, thợ máy của các hãng hàng không cũng đảm bảo năng lực để khai thác. Từ tháng 5-2020, khi thị trường hàng không nội địa hoạt động trở lại, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng luân chuyển khai thác máy bay, phi công để duy trì chứng nhận về năng lực chuyên môn của nhân viên hàng không đáp ứng đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Thực tế, ngoài các chuyến bay quốc tế không thường lệ đưa công dân về nước, vừa qua các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet đã thực hiện chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Ngoài ra, từ những kinh nghiệm phòng chống dịch trong các chuyến bay đưa công dân về nước, các hãng hàng không cũng đã lên kế hoạch khai thác trở lại mạng đường bay quốc tế như trước đây khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Do vậy, Chính phủ cho phép du khách quốc tế đến Việt Nam bằng hàng không vào lúc nào thì các hãng hàng không Việt Nam sẽ thực hiện ngay lúc đó.