Chia sẻ nguồn khách, hạn chế những rủi ro và cùng nhau góp vốn để đầu tư sản phẩm, dịch vụ mới… là cách để các doanh nghiệp du lịch có sự phục hồi tốt hơn.

Liên minh tour

Gắn kết

Vừa qua, sau thời gian chuẩn bị, tour “Trà chiều trên sông Hương” được đưa vào khai thác. Dù là tour mới, song đã thu hút được đông đảo du khách và được vận hành liên tục vào các buổi chiều. Điều này tăng thêm sản phẩm mới cho Huế, thêm giải pháp giữ chân khách, khi sử dụng tour sẽ ở lại Huế ít nhất thêm một đêm vì tour diễn ra lúc chiều tối. Tour này do liên minh 4 doanh nghiệp, gồm Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội - chi nhánh Huế, Công ty Du lịch Phong Lan Việt, Công ty TNHH Du lịch Restour và Công ty TNHH Tự hào Việt Nam - chi nhánh Huế tổ chức.

Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội - chi nhánh Huế cho rằng, trong bối cảnh cần có nhiều giải pháp để thu hút khách, tiến đến phục hồi cho doanh nghiệp, “liên minh” là giải pháp hiệu quả. Trước hết là cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn khách cho nhau để vận hành tour một cách liên tục. Như tour “Trà chiều trên sông Hương”, có lúc công ty này khai thác được khách, khi không. Nếu chỉ một mình doanh nghiệp làm, nguy cơ thua lỗ và tạm dừng khai thác tour là rất lớn. Liên minh cũng là cách để đảm bảo về giá cả, cũng như chất lượng dịch vụ. Hạn chế tối đa sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá để thu hút khách.

Trước đây, liên minh trong khai thác khách du lịch đã được hình thành ở Huế. Hiện tại, các liên minh khai thác tour đi Phú Quốc, Đà Lạt vẫn tiếp tục được duy trì. Một điểm mới trong các liên minh gần đây là không chỉ khai thác khách, mà còn cùng nhau góp vốn để đầu tư, xây dựng sản phẩm mới. Điều này gắn trách nhiệm của các thành viên trong liên minh cao hơn, hạn chế yếu tố “bỏ cuộc” nửa chừng như một số liên minh trước đó đã xảy ra.

Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, thời gian qua sự gắn kết bằng các hợp tác theo hình thức “liên minh” được doanh nghiệp triển khai rộng khắp và bước đầu cho thấy hiệu quả; qua đó, giúp doanh nghiệp phục hồi tốt, góp phần thu khách đến Huế. Cụ thể, các doanh nghiệp hợp tác để phối hợp khai thác các tour đi A Lưới, Phú Lộc, phá Tam Giang. Hay kết hợp để tạo ra những trải nghiệm mới như du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe… Các doanh nghiệp cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, các khách sạn, đơn vị vận chuyển, dịch vụ khác, để xây dựng các gói liên minh kích cầu trên tinh thần đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, an toàn đáp ứng yêu cầu của du khách trong tình hình mới.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, liên minh là một trong những giải pháp “căn cơ” trong kế hoạch phục hồi của du lịch Huế. Là giải pháp nâng cao chất lượng, giám sát và hỗ trợ nhau để phục hồi. Đây cũng là giải pháp để tăng tính gắn kết, phát huy sức sáng tạo, sức trẻ của nhiều doanh nghiệp du lịch; tạo mối đoàn kết tốt hơn, xây dựng nội lực cho ngành du lịch Cố đô.

Mở rộng “liên minh”

Ông Đinh Mạnh Thắng thông tin, trong thời gian đến, yêu cầu được đặt ra là mở rộng thêm các liên minh. Trong liên minh có một lưu ý các nhóm là tập hợp các doanh nghiệp cùng có thế mạnh, cùng khai thác các dòng khách có nhu cầu gần giống nhau để hợp tác tạo được nguồn khách ổn định. Liên minh là tốt, song phải tránh tình trạng cục bộ, hoạt động theo nhóm nhỏ mà không chú trọng sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp Huế.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết, kế hoạch của du lịch Huế là sớm phục hồi thị trường khách Thái Lan và tiếp đến là khách Hàn Quốc bằng các chuyến bay charter (thuê nguyên chuyến). Thực tế đang có khó khăn là khách từ Thái Lan đang ổn định, nhưng chiều ngược lại từ Huế lại chưa. Do đó, những ngày qua, ngành du lịch Huế đang cấp tập hình thành nhóm liên minh khai thác khách ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung, nhất là các thị trường Quảng Bình và Quảng Trị tham gia tour đi Thái Lan, tiến đến duy trì tour ổn định. Bước đầu liên minh đã tạo được nguồn khách cho những chuyến bay đầu tiên.

Không dừng lại liên minh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, thời gian qua, sự kết nối giữa doanh nghiệp Huế và các địa phương được thúc đẩy. Trong đó, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành, các đại lý du lịch ở hai đầu TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đưa khách đến Huế. Bên cạnh khách nội địa, các doanh nghiệp cũng đã kết nối các lữ hành, đại lý du lịch quốc tế ở hai đầu để chủ động thu hút khách quốc tế sớm trở lại.

Đặc biệt, liên kết giữa 3 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và liên kết 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam giúp hình thành những chùm tour đến cả 5 điểm đến với những chương trình đặc sắc, giá tour có tính cạnh tranh cao. Việc liên minh tốt giúp ngành du lịch các địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch, quảng bá, giới thiệu; qua đó, tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng. Từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng, như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam.

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, sẽ hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đầu tiên là tạo sân chơi tốt, lành mạnh bằng hỗ trợ về cơ chế, thủ tục pháp lý nhanh. Đồng thời, hỗ trợ về công tác xúc tiến quảng bá ở các kênh, giúp các sản phẩm, tour tuyến có khả năng tiếp cận được nhiều thị trường khách.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Đăng bởi: Theo Báo Thừa Thiên Huế | 05 Tháng 11, 2022

Tin mới nhất

string(3) "123"