Ngày 1/7/2021, Liên minh Châu Âu (EU) chính thức áp dụng Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 trên toàn khối 27 quốc gia với hy vọng đây sẽ là bàn đạp để phục hồi ngành du lịch sau hơn một năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 là gì?
Chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 (EU Digital Covid Certificate) viết tắt là EUDCC, được biết đến như “hộ chiếu vắc xin” cho phép người dân di chuyển tự do cho mục đích công việc, du lịch mà không gặp bất kỳ trở ngại nào bởi những chính sách phòng, chống dịch. Chỉ cần chứng chỉ của mỗi cá nhân đáp ứng được ít nhất một trong ba yếu tố sau: Chứng nhận đã tiêm phòng ngừa Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc Covid-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh.
Là một trong những sản phẩm của chuyển đổi số, chứng chỉ này gồm một mã QR thể hiện dưới dạng thẻ cứng và ứng dụng trên điện thoại bao gồm các thông tin về chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 (sử dụng các loại vắc xin được Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) phê chuẩn, như vắc xin của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson&Johnson), kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc Covid-19. Bên cạnh đó, EU đang đàm phán với một số quốc gia như Anh và Mỹ để công nhận lẫn nhau chứng chỉ này và triển khai các văn bản liên quan tới Covid-19.
Niềm hy vọng của ngành du lịch EU
Là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất, từ đầu tháng 6, các khách sạn tại đảo Samos, Hy Lạp đã hoạt động trở lại với công suất trung bình 20-25%. Ông Manos Vallis, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Samos kỳ vọng rằng năm nay công suất phòng sẽ tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, EUDCC cùng với việc nới lỏng các hạn chế đi lại sẽ giúp cho nước này có một mùa du lịch tốt đẹp hơn. Tây Ban Nha kỳ vọng đến cuối năm nay, lượng du khách sẽ đạt mức 60-70% so với thời điểm “tiền” Covid-19
Có thể thấy, chứng chỉ kỹ thuật số về Covid-19 đang mang lại nhiều chuyển biến khả quan cho tình hình du lịch EU. Các điểm tham quan, Khách sạn các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tiếp tục được chào đón khách du lịch sau một thời gian dài “ngủ đông”.
Việt Nam và chính sách liên quan đến “hộ chiếu vắc xin”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết, trong tháng 7/2021, sẽ có 8,7 triệu liều vắc xin Covid-19 về Việt Nam. Quy mô tiêm chủng toàn quốc sẽ được triển khai nhanh nhất có thể. Đến trưa 14/7, Bộ Y tế cho biết đã thực hiện tiêm chủng 4.079.066 liều vắc xin phòng Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký quyết định triển khai thí điểm cách ly, quản lý người nhập cảnh, trong đó giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thêm vào đó, người nhập cảnh phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại cấp (vắc xin tiêm phòng phải được WHO hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược phẩm châu u hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng. Liều cuối cùng tiêm vắc xin trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh
Hy vọng “mong manh” trước khó khăn kiểm soát dịch bệnh
Hiện nay, thế giới vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh khi các biến thể mới tiếp tục được phát hiện. Đây là vấn đề đáng quan ngại trong việc triển khai EUDCC bởi 1 số nước không thể mở cửa khi số lượng các ca nhiễm chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nếu các quốc gia không điều phối được việc kiểm soát dịch bệnh thì “chiếc vé thông hành” này không còn đem lại hy vọng mà có thể mang đến những mối nguy khác. Chính vì vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng để “bàn đạp” này thực sự phát huy tác dụng, EU cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin trên toàn khối.
“Nếu bạn chọn đi du lịch, hãy làm điều đó một cách có trách nhiệm. Hãy ý thức về những rủi ro có thể gặp phải. Hãy nâng cao ý thức và đừng gây ảnh hưởng tới những thành quả khó khăn lắm mới có được" Giám đốc phụ trách khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo.