Nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả
Huyện Sóc Sơn nằm ở phía Bắc Thủ đô, có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên rất phong phú. Điều đó giúp Sóc Sơn có nhiều điểm đến nổi tiếng như: Núi Sóc, núi Đôi, hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn với tổng diện tích mặt nước lên đến hàng nghìn héc-ta..
Bên cạnh đó, Sóc Sơn cũng là nơi giàu tài nguyên văn hóa với hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Trên địa bàn huyện có 341 di tích lịch sử văn hóa và nơi thờ tự với 174 lễ hội được tổ chức hằng năm. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 44 di tích được xếp hạng thành phố, 1 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng - đền Sóc)...
Hiện nay, huyện có 204 cơ sở lưu trú với tổng số 1.454 phòng. Dự kiến, quy mô đến năm 2030 sẽ đạt 5.000 buồng phòng. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến Sóc Sơn đạt 950.000 đến 1 triệu lượt.
Đánh giá về tiềm năng du lịch của huyện Sóc Sơn, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sóc Sơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế trở thành trọng điểm du lịch ở phía Bắc Thủ đô. Hiện nay, huyện đã có một số sản phẩm du lịch được nhiều người biết đến.
Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Sóc Sơn đã có thêm các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch thể thao (chơi golf, giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình...).
Mặc dù được nhận diện là vùng trọng điểm du lịch của Thủ đô nhưng du lịch Sóc Sơn vẫn bị đánh giá là chưa phát triển xứng với tiềm năng. Lượng khách đến còn hạn chế. Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Trần Kiên thừa nhận, điểm hạn chế của Sóc Sơn hiện nay là chưa có khách sạn từ 3 sao trở lên, số lượng khách sạn có sức chứa đoàn đông còn ít. Bên cạnh đó, Sóc Sơn chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí; chưa có nhiều nhà hàng ẩm thực nổi tiếng; sản phẩm hàng hóa địa phương còn đơn điệu.
Ngoài ra, nhiều dự án phát triển du lịch còn chậm so với kế hoạch; nhân lực phục vụ du lịch chưa được đào tạo bài bản.
“Hiến kế” để huyện Sóc Sơn trở thành trọng điểm du lịch phía Bắc Thủ đô
Đóng góp cho huyện Sóc Sơn để mở ra những hướng phát triển cho du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Hoàng Thị Điệp cho rằng, huyện cần có quy hoạch bài bản và thực hiện đồng bộ, đồng thời phải có chính sách đột phá để thu hút đầu tư; nhân lực du lịch phải được chuyên nghiệp với thái độ văn minh; quan tâm đến du lịch số.
Chia sẻ về giải pháp phát triển điểm đến trong bối cảnh số, ông Nguyễn Quyết Tâm - Nhà sáng lập Nền tảng số iTourism nhận định: “Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như giàu tài nguyên du lịch, di tích, thắng cảnh, gần sân bay quốc tế Nội Bài,... Sóc Sơn cần chú trọng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trên môi trường số, ứng dụng các giải pháp công nghệ và hình thành liên kết vùng nhưng vẫn đảm bảo được tính bản địa.
Ví dụ, thay vì làm 1 website phục vụ riêng cho địa phương, Sóc Sơn có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu trên toàn quốc để hình thành và khai thác tối ưu nhất giá trị dữ liệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch địa phương. Đặc biệt, cần định vị được sản phẩm du lịch, giá trị của sản phẩm du lịch và chất lượng trong tất cả các hoạt động trên hành trình trải nghiệm của du khách.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Quyến Tâm đã đề xuất phương án triển khai số hoá tất cả các Khu, Điểm du lịch của Sóc Sơn trên Nền tảng số iTourism - bước đầu tiên để địa phương tiến tới du lịch thông minh.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình về việc phát huy tiềm năng và lợi thế của các điểm đến du lịch tại Sóc Sơn. Qua đó, đánh giá cơ bản huyện Sóc Sơn đã đáp ứng được các nhu cầu cần thiết để đón và phục vụ du khách trong nước và quốc tế.