Chiều 21/12, tại Hà Nội, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hội nghị nhằm thảo luận các giải pháp đa dạng các loại hình đào tạo, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển ngành du lịch.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Dạy nghề đồng chủ trì Hội nghị.

hoi-nghi-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nhan-luc-du-lich

Cùng dự Hội nghị có đại diện cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố; Hiệp hội Du lịch; các cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch; các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch...

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua thúc đẩy các ngành kinh tế cùng phát triển và tạo ra nhiều việc làm. Du lịch sử dụng nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp với yêu cầu đặc thù về lao động như đòi hỏi sự đa dạng về trình độ từ mức độ chuyên nghiệp, kỹ năng cao cho đến lao động ở mức độ giản đơn; mỗi nhóm ngành nghề, cấp bậc, vị trí lại đòi hỏi kỹ năng thực hành nghề, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống, kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau...

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, nhân lực du lịch là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng dịch vụ, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra, một trong những yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm đầu tư đó là nguồn nhân lực du lịch.

Những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của khách du lịch và sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, lực lượng lao động ngành du lịch cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, Việt Nam còn thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.

So với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế về kỹ năng nghề, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm, năng suất lao động và tính chuyên nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam. Lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sụt giảm mạnh và kéo dài liên tục trong gần 3 năm 2020-2022. Nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm ngưng hoạt động, đóng cửa trong thời gian dài, dẫn đến một lực lượng lớn lao động du lịch đã chuyển sang các ngành khác, ảnh hưởng đến khả năng tuyển sinh và đào tạo ngành, nghề du lịch.

Sau đại dịch, ngành du lịch đứng trước những thách thức về yêu cầu phát triển, đặc biệt thay đổi về xu hướng tiêu dùng du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, ứng phó những vấn đề chung toàn cầu về biến đổi khí hậu.

Đứng trước bối cảnh trên, để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển ngành du lịch, công tác đào tạo nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng và hơn lúc nào hết cần có sự liên kết chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng.

Thông qua Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc mong muốn các đại diện các cơ quan, các sở quản lý du lịch, các cơ sở đào tạo ngành nghề du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng lao động ngành du lịch và thực trạng công tác đào tạo ngành, nghề du lịch; những yêu cầu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong thời gian tới; cũng như đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành, nghề du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển ngành du lịch. Trong đó, tập trung đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư, liên kết giữa cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch, phát triển mô hình đào tạo ngành nghề du lịch mới, nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành nghề du lịch cho người lao động.

hoi-nghi-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nhan-luc-du-lich

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận từ đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch; các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch...

Trình bày tham luận về “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong kỷ nguyên số”, đại diện Trung tâm dữ liệu Du liệu Du lịch Việt Nam, Nhà sáng lập Nền tảng số iTourism Nguyễn Quyết Tâm nhấn mạnh, đào tạo nhân lực du lịch cần đáp ứng nhu cầu của xã hội, tích cực đổi mới sáng tạo trong công tác giảng dạy, sử dụng các phương pháp giáo dục hiện đại giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách thuận lợi, trau dồi kiến thức và kỹ năng đúng, đủ, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác toàn diện trong công tác đào tạo nhân lực thông qua việc xây dựng chương trình thực tập và tư vấn doanh nghiệp. Chuẩn hoá các chương trình đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo đại diện Vụ Đào tạo Chính quy, Tổng cục Giáo dục Dạy nghề tham luận về “Cơ chế, chính sách đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch thời gian tới”, việc tôn trọng ngành nghề, nỗ lực hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao là vô cùng quan trọng. Ngay tại môi trường giáo dục, các giáo viên cần bám sát, giúp đỡ sinh viên hoàn thành khóa học và đạt được kết quả tốt nhất. Đảm bảo sinh viên nắm bắt tốt kiến thức, áp dụng vào môi trường thực tập và làm việc thực tế, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng việc đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Theo đó, sinh viên chuyên ngành du lịch cần được đào tạo bài bản về ngôn ngữ nước ngoài trong suốt quá trình học; khuyến khích học nhiều hơn một ngôn ngữ nước ngoài. Ngoài ra, việc giảng dạy trong chuyên ngành du lịch cần bám sát với tình hình thực tế, thường xuyên thực hành; cấp chứng chỉ dựa theo thực lực chứ không phải số lượng. Nên có khung đánh giá, cấp chứng chỉ và thừa nhận bằng cấp chung, tránh mỗi cơ sở giáo dục sử dụng một khung chứng nhận khác nhau, gây khó khăn cho học viên, sinh viên du lịch chuyển ngạch, phát triển những kỹ năng ngoài lĩnh vực trong tương lai. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn nghiệp vụ trong thời gian tới. Có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch và doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cung cấp nơi thực tập, làm việc cho sinh viên.

Đăng bởi: Phương Thảo - Nền tảng số iTourism | 25 Tháng 12,2023

Tin mới nhất