Vào ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Theo nội dung của nghị quyết, từ tháng 11/2021, Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế cũng như chính thức mở cửa toàn bộ ngành du lịch từ 15/3/2022. Đây là bước ngoặt lớn, mở ra sự phục hồi mạnh mẽ cho cho ngành du lịch. Đây đồng thời là những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng nhất cho sự phát triển của ngành du lịch nước ta, tạo niềm tin về một tương lai phát triển ổn định hơn nữa.Du lịch ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào việc tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định về quốc phòng và an ninh quốc gia, cũng như củng cố hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận là ngành du lịch Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần sớm đưa ra hướng giải quyết. Đó là việc cần cải thiện hành lang pháp lý để thu hút đầu tư và phát triển du lịch, xây dựng chiến lược thị trường và chính sách xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cải thiện dịch vụ lưu trú, thương mại và vận tải, nâng cấp hạ tầng để phục vụ kỳ nghỉ, mua sắm và tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị và hội thảo. Các chính sách thị thực, công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch, cũng như sự chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng cần được đẩy mạnh nhằm phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.
Để phát triển Du lịch một cách có trọng tâm và đi kèm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc- dịch vụ chuyên nghiệp- Thủ tục thuận tiện, đơn giản- Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp- Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, đồng thời đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có năng lực cạnh trong trong top 30 nền kinh tế du lịch hàng đầu thế giới, Nghị quyết đã đưa các giải pháp, nhiệm vụ chủ chốt như sau:
Cải cách ngành du lịch để tạo nên một ngành chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững được thúc đẩy
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn", với sự tập trung đặc biệt vào việc cải cách thị trường du lịch. Công tác thống kê du lịch sẽ được tăng cường, bao gồm việc tiến hành điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025 sẽ được xây dựng và triển khai nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm, theo hướng "điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh và thân thiện".
Song song đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, đáp ứng xu hướng toàn cầu và thích ứng với biến động kinh tế thế giới.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ sẽ hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đề xuất các cơ chế và chính sách đổi mới, nhằm huy động các nguồn lực và cơ cấu lại ngành du lịch để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng ngành và địa phương.
Ủy ban nhân dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đa dạng hóa hình thức và sản phẩm du lịch, tập trung vào việc kết nối du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, và đặt mục tiêu phát triển xanh, bền vững với phương châm "khách du lịch là trung tâm trải nghiệm". Đồng thời, sẽ tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động và kế hoạch hành động cấp vùng và liên vùng trong việc phát triển du lịch, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Các hoạch định này sẽ được điều chỉnh theo định hướng quy hoạch của các vùng, khu vực tăng trưởng, hành lang du lịch, trung tâm du lịch và các khu du lịch quốc gia.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế, trong đó bao gồm cả công tác quảng bá và giới thiệu du lịch, nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, quảng bá và giới thiệu du lịch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, nhằm xem xét và ban hành Nghị quyết về việc mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương. Ngoài ra, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Bộ Công an sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế. Sẽ có nghiên cứu và đánh giá để mở rộng danh sách các quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Đồng thời, sẽ đánh giá và tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện áp dụng thị thực điện tử, nhằm đề xuất sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, sẽ cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu hàng không, nhằm đảm bảo sự nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, sẽ có các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Bộ Giao thông vận tải sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác và mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam. Điều này bao gồm việc rà soát các Hiệp định về hàng không đã được ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm thúc đẩy triển khai và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam, đặc biệt là đến các địa điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch có trọng điểm, trọng tâm, tập trung mạnh vào các du lịch quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai thực hiện "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sự ưu tiên sẽ được đặt cho việc đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển và động lực, nhằm biến chúng thành các khu du lịch quốc gia. Đồng thời, sẽ được tổ chức triển khai các chương trình và đề án chuyên đề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch.

Trong việc xây dựng các khu du lịch quốc gia, Bộ Xây dựng sẽ đảm nhận vai trò chủ trì và phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mục tiêu là đẩy nhanh quy hoạch chung và xây dựng các khu du lịch quốc gia, tuân thủ phân công từ Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành nâng cấp các điểm kết nối giữa hàng không, đường bộ và đường biển, đồng thời đầu tư nâng cấp sân bay và bến cảng. Các dự án đầu tư công về hạ tầng sẽ được triển khai một cách hiệu quả, đồng thời cải thiện hạ tầng giao thông để đảm bảo phương tiện có thể tiếp cận các khu du lịch và vùng du lịch trọng điểm của địa phương một cách thuận lợi.

Đẩy mạnh các sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch

Nhằm phát triển và đổi mới các loại hình và dịch vụ du lịch đa dạng và độc đáo, chú trọng khai thác tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, và kết hợp với giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo ra các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển và đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, và du lịch ẩm thực.

Mục tiêu là xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia dựa trên lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và các yếu tố biển, đảo. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách và thuận lợi, mang đến sự hài lòng cho du khách và niềm vui cho chủ nhà.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường du lịch quốc tế, đổi mới phương thức và công cụ, và áp dụng công nghệ số trong việc xúc tiến du lịch. Truyền thông sẽ được sử dụng mạnh mẽ và quảng bá trên mạng xã hội sẽ được tăng cường.

Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường du lịch có tiềm năng tăng trưởng nhanh, với số lượng khách hàng lớn, chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài. Đồng thời, việc xúc tiến du lịch sẽ được hóa xã hội hóa và huy động sự hợp tác từ các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tận dụng vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại các quốc gia khác.

Để thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch, sẽ có sự hỗ trợ từ Quỹ phát triển du lịch và sẽ tiến hành nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, bắt đầu với một số thị trường du lịch trọng điểm.

Bộ Công Thương sẽ tích hợp quảng bá thương hiệu và hình ảnh du lịch Việt Nam vào Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì, cả trong và ngoài nước, nhằm kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch. Đồng thời, quảng bá thương hiệu và hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được tích hợp vào việc phát triển các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch.

Ngoài ra, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 922/QĐ-TT ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch

Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để nghiên cứu và bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch". Mục tiêu là áp dụng giá bán lẻ điện cho khách hàng trong ngành sản xuất.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để triển khai việc phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu. Đồng thời, đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch để phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển. Cùng với đó, sẽ tiến hành nghiên cứu các chính sách kích cầu và gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch để tiếp cận các nguồn vốn và đề xuất các gói kích cầu. Tất cả những chính sách này sẽ được trình cấp có thẩm quyền xem xét và ban hành phù hợp với tình hình mới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất một gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Công việc bao gồm xây dựng tiêu chuẩn và chuẩn hóa nhân lực du lịch, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và trường đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát và điều chỉnh mã ngành đào tạo du lịch, triển khai chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực du lịch, phát triển đội ngũ giảng viên du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở giáo dục đại học đào tạo du lịch, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ trì, phối hợp với Bộ Công an để xây dựng và triển khai Đề án Phát triển du lịch liên kết với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của quốc gia từ năm 2022 đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 01 năm 2022). Mục tiêu của Đề án là xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về du lịch, trong đó ưu tiên tích hợp cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu du lịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống kê và quản lý khách du lịch.

Công việc cụ thể bao gồm xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý của nhà nước và kinh doanh dịch vụ du lịch, cũng như nâng cao trải nghiệm của du khách.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp hiệu quả với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, theo Quyết định số 749/QĐ-TT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm này bao gồm việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia và các nền tảng số.

Nói về nền tảng số cho ngành du lịch, chúng ta không thể bỏ qua iTourismDX. Nền tảng số iTourismDX là hệ thống xây dựng trên môi trường công nghệ, cho phép nhiều đối tượng cùng tham gia để cung cấp - thu thập - sử dụng tài nguyên du lịch theo phạm vi được phân quyền của ngành du lịch phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh, nghiên cứu,.. của đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch & người dùng. Nói một cách ngắn gọn, iTourismDX là nền tảng quản lý CSDL du lịch Việt Nam được phát triển nhằm thúc đẩy Chuyển đổi số Ngành Du lịch Việt Nam. Nền tảng iTourism cung cấp trên cả môi trường Web & App hướng đến khả năng tiếp cận cho 5 nhóm đối tượng chính, cũng là 5 trụ cột quan trọng trong Ngành Du lịch bao gồm tổng cục du lịch, sở du lịch, Hội - Hiệp hội Du lịch & Câu lạc bộ Du lịch, Doanh nghiệp Dịch vụ Du lịch - Lữ hành và khách du lịch.

Nền tảng iTourismDX hỗ trợ tối đa quá trình chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam

Nền tảng iTourismDX hỗ trợ tối đa quá trình chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam

Tổ chức thực hiện

Để triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực quản lý tương ứng. Các tổ chức này sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, tiến hành giám sát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Sau đó, các tổ chức sẽ đề xuất các giải pháp chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trong thời gian tiếp theo. Báo cáo về kết quả sơ kết và đánh giá sẽ được gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau đó sẽ được báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết và đồng thời chủ trì đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện. Bộ sẽ tổng hợp và đánh giá kết quả sơ kết của việc thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ.

Đăng bởi: Thùy Linh | 22 Tháng 5,2023

Tin mới nhất