COVID-19 đã tạo ra “cú sốc lớn” chưa từng có cho ngành du lịch Việt. Từ đó, xu hướng du lịch cũng thay đổi rất nhiều, đẩy các địa phương và đơn vị lữ hành vào tâm thế mới, biến khó khăn thành cơ hội để bứt phá trong cuộc chiến “sống chung với dịch”.

Thích nghi

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, chỉ trong 3 tháng cao điểm dịch COVID-19 từ tháng 2 tới tháng 4 năm nay, ngành này đã phải chịu thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành vừa và nhỏ đã phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.

Vào khoảng tháng 6-7, sau đợt dịch thứ nhất, hoạt động du lịch quay trở lại mạnh mẽ với hàng loạt chương trình kích cầu, giảm giá “khủng”. Mặc dù nhiều tour được coi là chỉ hòa vốn hoặc lợi nhuận thấp nhưng ngành du lịch vẫn phấn khởi chờ ngày khởi sắc.

Thế nhưng, đợt dịch thứ 2 bất ngờ bùng phát với tính chất phức tạp và nghiêm trọng khi có hàng chục ca tử vong, giống như một “cú đấm bồi” vào ngành du lịch khi một lần nữa phải chịu thiệt hại nặng nề. Rất nhiều tour phải hủy, nhiều cơ sở dịch vụ gần như ngừng hoạt động vì không có khách. Rất nhiều khách sạn hạng sang trước đây có giá cả chục triệu đồng/ngày đêm, giờ hạ giá xuống chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng cũng vắng hoe…

xu-huong-du-lich-binh-thuong-moi

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch

Ðại dịch không chỉ đẩy ngành công nghiệp không khói vào tình cảnh kiệt quệ vì không có khách mà còn làm thói quen trải nghiệm, khám phá cùng xu hướng sử dụng dịch vụ của người dân thay đổi hoàn toàn.

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) vào cuối tháng 5/2020 về xu hướng du lịch của người Việt Nam hậu COVID-19, du khách vẫn e ngại với khách sạn và tránh xa máy bay, chủ yếu chọn phương tiện xe riêng. Các điểm đến an toàn (về cả dịch bệnh lẫn an ninh) được ưu tiên. Thắt chặt chi tiêu khiến nhiều người chọn tour ngắn ngày và gần 90% lựa chọn đi cùng gia đình hoặc nhóm nhỏ, thay vì xu hướng theo đoàn lớn như trước. Bên cạnh đó, xu hướng mua bảo hiểm khi du lịch cũng tăng lên. Điều này xuất phát từ những rủi ro khi du lịch trong thời điểm dịch chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe) thì cho rằng, sẽ có 2 xu hướng du lịch phát triển mạnh hậu COVID-19, đóng vai trò chủ đạo song song, là xu hướng du lịch 4.0 (phát huy các kỹ năng công nghệ hiện đại) và xu hướng du lịch 0.4 (trở về với thiên nhiên đơn thuần). “4.0 sử dụng công nghệ kết nối nhiều giá trị, giúp khách du lịch chỉ cần ở trong phòng mà vẫn được hưởng thụ các nhu cầu vật chất và tinh thần, trở thành xu hướng chỉ đạo. Song song với nó, 0.4 là xu hướng trở về thiên nhiên hoang dã, không có sự can thiệp của con người; cũng có thể hiểu đây là nhu cầu du lịch xanh, sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, không khai thác tài nguyên nhiên nhiên”, TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe phân tích.

Biến “nguy” thành “cơ”

Cũng theo các chuyên gia, du lịch sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu với nhiều người dân trên thế giới sau thời gian dài bị hạn chế đi lại vì COVID-19. Bởi vậy, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch rõ ràng nhất, nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Nếu nắm bắt được xu hướng du lịch mới, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, vượt qua các quốc gia khác trong khu vực để chiếm thị phần lớn hơn trong làng du lịch thế giới.

xu-huong-du-lich-binh-thuong-moi

Lên Tây Bắc ngắm hoa tam giác mạch là một trong những chương trình được khách du lịch yêu thích vào mùa thu đông

Hiện tại, khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát lần 2, hầu hết các khu, điểm đến của Việt Nam đã mở cửa đón khách, nhiều đường bay được nối lại, doanh nghiệp lữ hành tung ra các sản phẩm mới với chính sách kích cầu hấp dẫn… “Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cần đảm bảo đủ cơ sở lưu trú hợp vệ sinh với chi phí phù hợp để đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng, mặc dù là mức độ tăng chậm trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần sớm nắm bắt tâm lý khách hàng, tăng cường chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh du lịch so với thế giới và khu vực để kịp thời đi trước đón đầu, tạo bộ mặt mới cho ngành du lịch và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định phương án để ngành du lịch bứt phá hậu COVID-19.

Tại Hội nghị “Kích cầu du lịch - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn” mới đây, ông Vũ Thế Bình (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch) cũng cho rằng chiến dịch kích cầu đợt 2 cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm phải mới lạ với giá cả phù hợp. “Các tỉnh, thành phố không nên rụt rè giảm phí tham quan 30 - 50% nữa mà phải miễn phí hoàn toàn vé tham quan để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và thu hút du khách tới các địa phương”, ông Bình đề xuất.

Tạo diện mạo mới cho các sản phẩm đã cũ là xu hướng được ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng đưa ra. Theo ông Hùng, các doanh nghiệp, địa phương ở khu vực phía Bắc cần nghĩ tới việc khắc phục hạn chế mùa thấp điểm, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với mùa đông chỉ có ở miền Bắc, “Thay vì thói quen đi du lịch vào 3 tháng hè, cần thu hút khách bằng các sản phẩm mùa đông đặc trưng của miền Bắc. Nếu thay đổi cách làm sẽ tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn, đặc biệt là đối tượng khách ở khu vực phía Nam”.

Thường sau tháng 9, tháng 10 là lúc du lịch nội địa, đặc biệt là khu vực miền Bắc bước vào thời kỳ “ngủ đông”. Bởi vậy, việc các địa phương xây dựng thêm chương trình, sản phẩm du lịch từ thời điểm tháng 10 đến tháng 4 năm sau, được xem là biện pháp kích cầu hiệu quả. “Nếu có thêm các sản phẩm du lịch mùa đông thì sẽ giúp thay đổi tính mùa vụ của ngành du lịch. Khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi đặt tour. Đồng thời giúp giảm tải ở các khu du lịch biển vào mùa hè, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới”, bà Vũ Đỗ Quyên, Giám đốc TTS Travel phân tích.

Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành cũng cho rằng, cần xây dựng các sản phẩm thật sự hấp dẫn, đặc sắc, chứ không nên làm theo kiểu “cho có”. Bên cạnh đó, giá cả cũng phải hợp lý. “Nếu không ngon-bổ-rẻ thì rất khó để thay đổi thói quen du lịch của người Việt. Bởi mùa đông trẻ con phải đi học, các gia đình thường ít đi du lịch. Ngay cả ở Phú Quốc, mùa đông là thời điểm đẹp nhất trong năm, nhưng hầu như cũng chỉ có khách nước ngoài.

Nên chăng hãy cho trẻ nghỉ hè 2 tháng và 1 tháng để nghỉ đông, thì có lẽ ngành du lịch sẽ dễ tính toán hơn”, bà Vũ Thị Bắc, Giám đốc 8 Travel bày tỏ quan điểm.

Đăng bởi: Phuong Thao | 06 Tháng 10, 2020

Tin mới nhất