Trong tất cả những chuyến đi đến nhiều vùng đất khác nhau, Hà Giang - mảnh đất cằn cỗi nơi cao nguyên đá vẫn là nơi để lại cho tôi nhiều cảm giác nhớ thương nhất. Bởi vậy nếu có 1000 nỗi nhớ, nhất định tôi sẽ nhớ Hà Giang!
Không đếm được số lần mà tôi đặt chân đến Hà Giang là bao nhiêu. Cũng không biết lý do gì mà tôi thương mảnh đất ấy đến vậy. Trong ký ức tôi, Hà Giang là nơi chỉ có những vách đá tai mèo và những người H’mông quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có lẽ vì tất cả những điều bình dị và gần gũi đó mà tôi yêu nơi này.
Tôi vẫn nhớ mãi, lần đầu tiên quyết định đặt chân tới Hà Giang, đó là khi vừa đọc xong cuốn sách “Thương nhớ Đồng Văn” của tác giả Thủy Trần. Cuốn sách nói về hành trình rong ruổi cao nguyên đá Hà Giang qua rất nhiều lần của tác giả, kể về một Hà Giang của những ngày xưa khi dân phượt còn chưa biết tới nhiều. Tất cả những hình ảnh của Hà Giang cứ dần hiện ra trong tâm trí tôi khi đọc qua cuốn sách của tác giả. Vậy là tôi quyết định xách balo lên và đặt chân tới nơi ấy.
“Có những buổi chiều ngang qua cuộc đời khiến tôi nhớ mãi, như những chiều quan tái trên cao nguyên đá Đồng Văn...”
-Thương nhớ Đồng Văn -
Đặt chân tới Hà Giang lần đầu, rong ruổi trên chiếc xe máy thuê được ở trung tâm thành phố, với biết bao sự hào hứng và phấn khởi. Ngắm nhìn từng dãy núi, từng con đường, con đèo mà tôi đi qua. Nhớ nhất là những buổi chiều rong ruổi trên đường, bắt gặp những ánh nhìn của lũ trẻ vùng cao, gặp cả người phụ nữ H’mông ngồi trên đỉnh đèo đợi chồng. Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng phụ H’mông sẵn sàng ngồi ven đường đợi chồng, họ che nắng, che ô cho chồng mỗi khi chồng say rượu và cho rằng đó là điều mà một người phụ nữ nên làm.
Buổi chiều bắt đầu từ phiên chợ đã tan. Bạn sẽ bắt gặp những người đồng bào vùng cao hối hả kéo nhau về theo ánh chiều tà, lũ trẻ lẽo đẽo theo chân bố mẹ, có nhà sẽ bày bàn gỗ, rượu ngô ra ven đường để làm chỗ nghỉ chân cho những người từ phiên chợ trở về.
Quán rượu chẳng có gì ngoài khèn Mông, điếu cầy, can rượu đầy; “thứ rượu mà khi rót ra, người đàn bà chủ quán nâng bát lên chỉ nhìn chăm chăm vào mắt khách đường xa, trầm buồn và cô quạnh, có gì như tan loãng, như hụt hẫng ở cái ngã ba mà nhìn bốn phía xung quanh, đâu cũng là núi cao ngất đỉnh trời…”
Sẽ chẳng có một cơ hội nào để bạn có thể thấy được một Đồng Văn cũ với những phiên chợ đậm chất dân dã, không bị mai một bởi sự thương mại hóa như bây giờ. Nhớ lần đầu tiên khi đến Đồng Văn, tất cả những gì tôi thấy được đó là khu chợ Đồng Văn mới được xây dựng, được khai thác nhờ sự phát triển của du lịch.
Hình ảnh của Đồng Văn mà tôi đã từng được đọc và hình dung từ cuốn sách của tác giả Thủy Trần đã không còn, thế nhưng vẫn còn đó những con người vùng cao chất phác, vẫn còn đó những hình ảnh khi mùa hoa cam cúc, tam giác mạch nở rộ khắp các phiến đá tai mèo tại Đồng Văn.
Tháng 10 hàng năm, là lúc cao nguyên đá nở rộ sắc màu bởi những loài hoa dại. Dù là mảnh đất sỏi đá cằn cỗi đến mấy, những loài hoa ấy vẫn mạnh mẽ vươn lên, đâm chồi và rực rỡ hơn bao giờ hết. Đồng bào nơi đây vẫn thường tận dụng tam giác mạch để làm thành thực phẩm, cho ra một món ăn mạng đậm chất vùng cao khiến bất cứ ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi mà không quên đó chính là bánh tam giác mạch.
Những năm trở lại đây, cũng nhờ mùa hoa tam giác mạch mà Hà Giang được cộng đồng du lịch biết đến nhiều hơn mỗi mùa hoa nở nơi đây lại đón một lượng khách đông đảo ghé thăm bởi chỉ có mùa này cao nguyên đá mới lại nở hoa.
Nói say đường, say đèo khi tới Hà Giang là không hề sai. Chắc hẳn ai cũng biết Hà Giang là nơi có con đèo huyền thoại, lần đầu tiên đặt chân tới Hà Giang vượt qua con dốc Thẩm Mã, đi qua con đường Hạnh Phúc, chinh phục Mã Pì Lèng đã khiến tôi “say đường, say đèo”. Say đường là lúc chìm đắm vào những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hà Giang, say đèo là vì những khúc cua hiểm trở không kịp trở tay.
Ngày còn đi trên con đường Hạnh Phúc, tôi bắt gặp những đứa trẻ vùng cao đang chơi đùa bên đường, bắt gặp những người phụ nữ đang đeo gùi trên lưng đựng đầy củi hay ngô. Lúc đó tự hỏi liệu có phải họ đang “đem hạnh phúc về nhà?” . Và cả những lần chạy xe tới Sủng Là vào mùa hoa nở, đó là khoảnh khắc khiến tôi không bao giờ quên được. Có lẽ ở Hà Giang, không một nơi nào có tam giác mạch nở đẹp như ở nơi ấy.
Tôi của những năm 20 tuổi cho tới giờ vẫn thương nhớ Hà Giang nhiều đến vậy, dù cho đã từng đặt chân và khám phá nhiều vùng đất thì nơi tôi muốn quay trở về vẫn chính là cao nguyên đá. Tới Hà Giang nhiều lần nhưng đối với tôi mọi thứ vẫn như lần đầu khi tôi đặt chân đến. Nếu có 1000 nỗi nhớ, nhất định sẽ nhớ Hà Giang!