Theo McKinsey và Forbes, có đến 70-84% dự án chuyển đổi số không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu. Cơ quan thông tấn hàng đầu của Anh BBC cũng mất trắng 100 triệu euro vì chuyển đổi số. Những con số này đánh vào tâm can của nhân sự cấp quản lý như CEO, CTO, CFO. Vậy tại sao tỉ lệ thất bại lại cao như vậy? Dưới đây là 10 lý do.

digital_transformation-in-tourism_png

1. Doanh nghiệp không thực sự rõ ý nghĩa của việc “chuyển đổi số”

Mỗi doanh nghiệp là một cá thể khác biệt, và định nghĩa “chuyển đổi số” cũng mang nhiều nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Đó có thể là quá trình tự động hoá; mô hình làm việc từ xa; công nghệ, website, mô hình kinh doanh mới; hay việc sử dụng robot thay thế con người...

Do đó, nếu không thống nhất về định nghĩa, doanh nghiệp du lịch sẽ không thể đo lường được mức độ thành công hay thất bại khi chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Một khảo sát năm 2017 của Wipro Digital, agency marketing toàn cầu chia sẻ rằng 35% cuộc chuyển đổi số thất bại vì thiếu chiến lược cụ thể.

Thế nên, điều cần làm là thống nhất định nghĩa chuyển đổi số để tạo ra lộ trình chuyển đổi, và đi kèm là cách đo lường.

2. Quản lý cấp cao không chứng minh cam kết của họ

Sự chuyển đổi nên đến từ bên trên. Giám đốc điều hành, ban lãnh đạo và quản lý cấp cao cần phải đào sâu quy trình, chủ động thể hiện cam kết của họ đối với những thay đổi trong doanh nghiệp. Họ cần trở thành “tấm gương” tiêu biểu cho đội ngũ nhân sự trong cách suy nghĩ, hành động để quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp suôn sẻ, các quy trình làm việc mới trở thành hiện thực. Nếu không, sẽ không ai coi trọng việc chuyển đổi số, và chúng chỉ được coi như “sáng kiến”, chứ không thể nào thành công.

Doanh nghiệp du lịch trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi số phải trả lời 3 câu hỏi, cũng có thể xem là 3 thách thức: Tại sao lại phải làm việc này? Làm như vậy sẽ giúp quyết định được những vấn đề gì của doanh nghiệp? Và để làm được việc đấy thì doanh nghiệp phải thay đổi những gì?

Việc xác định rõ mục tiêu từ cấp quản lý sẽ giúp doanh nghiệp có hướng đi phù hợp và hiệu quả hơn thay vì áp dụng công nghệ số vào mà không hề biết chúng thực sự có giá trị gì cho doanh nghiệp của mình. Chuyển đổi số là cả một hành trình dài, các nhà lãnh đạo cần đủ sự quyết tâm, tránh nóng vội nhưng cũng không được chậm trễ khi triển khai.

3. Sự chống đối từ nội bộ

Năm 1989, hai nhân viên của Kodak là ông Steven Sasson và ông Robert Hill tạo ra dòng camera DLSR đầu tiên. Nhưng đội ngũ marketing của Kodak đã không đưa sản phẩm này ra thị trường, vì sợ đe doạ đến việc kinh doanh “máy ảnh phim” – thế mạnh của công ty. Họ không biết rằng, sản phẩm này có thể mang tính đột phá về mặt công nghệ, thậm chí dẫn đầu thời kì “digital age” trong tương lai. Tuy nhiên, sự việc này cũng thể hiện sự mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp, đó là: Nên thay đổi tư duy tổ chức hay mô hình kinh doanh để làm mới mình.

|| Nên thay đổi tư duy tổ chức hay mô hình kinh doanh để làm mới mình?

Ví dụ của Kodak cũng cho thấy những doanh nghiệp “bảo thủ” sẽ tự đưa họ vào vùng nguy hiểm trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt. Điều này đặt ra lời khuyên cho doanh nghiệp truyền thống đó là: Tìm ra cách để thử nghiệm, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới nhưng vẫn đảm bảo tối thiểu rủi ro.

4. Doanh nghiệp không đủ chuyên môn để chuyển đổi số

Trong đa phần doanh nghiệp lớn, nhân sự dành phần lớn thời gian để giải quyết các công việc hàng ngày. Vì thế, yêu cầu họ đảm nhận thêm một dự án dài hơi, cụ thể là một dự án chuyển đổi số thì khả năng thất bại là rất cao. Do đó, cần phải có chiến lược gia, nhà sáng tạo, chuyên gia công nghệ hợp tác cùng với đội ngũ in-house của công ty để tạo ra một cuộc chuyển đổi số thành công.

Lợi thế lớn nhất mà đối tác bên ngoài mang đến là sự khách quan. Họ có thể đưa ra được những sáng kiến và ưu tiên chuyển đổi có tác động lớn nhất và luôn sẵn sàng hỗ trợ, mà không “dựng lên” quá nhiều rào cản.

5. Công nghệ thay đổi, nhưng văn hoá doanh nghiệp thì “bất động”

Quan tâm đến công nghệ là điều đáng khen ngợi. Nhưng người sử dụng công nghệ lại là người quyết định thành công hay thất bại.

|| Một cuộc chuyển đổi số “đúng” phải sở hữu những thay đổi về mặt tư duy, đảm bảo nhân viên ở mọi cấp độ cảm nhận sự tích cực với việc thay đổi.

thay-doi-van-hoa-doanh-nghiep-khi-chuyen-doi-so

Khoan hãy xét đến thành công, một cuộc chuyển đổi số “đúng” phải sở hữu những thay đổi về mặt tư duy, đảm bảo nhân viên ở mọi cấp độ cảm nhận sự tích cực với việc thay đổi. Họ cần hiểu rằng công nghệ sẽ giúp ích cho công việc của họ, và điều đó đóng vai trò quan trọng cho những thành công trong tương lai của doanh nghiệp. Nếu không có một chương trình cải tổ mạnh mẽ để đảm bảo các phòng ban của doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích của chuyển đổi số và quyền sở hữu đối với quy trình, doanh nghiệp chắc chắn thất bại.

6. Công nghệ mới chưa được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ có sẵn để đảm bảo tốc độ và chi phí. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đến việc điều chỉnh công nghệ phù hợp với cách vận hành. Nếu không làm được điều này, thì khi triển khai, nhân viên sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng và khó có thể tạo ra được thành tựu như mong đợi. Thậm chí, trường hợp xấu nhất sẽ là: Dù chi phí bỏ ra cực kỳ cao, nhưng, doanh nghiệp vẫn phải thay thế bằng một công nghệ khác trong tương lai gần.

Một lý do khác từ yếu tố công nghệ đó là doanh nghiệp sử dụng quá nhiều phần mềm, ứng dụng để hỗ trợ các phòng ban khác nhau trong doanh nghiệp. Điều này dẫn tới dữ liệu không được đồng bộ, không tận dụng và phái sinh một cách triệt để. Có số hóa nhưng không "đến nơi đến chốn" và tối ưu.

7. Bỏ qua chuyển đổi trải nghiệm khách hàng

Chuyển đổi số nên bao gồm việc tự động hoá quy trình, mang đến công nghệ mới, thúc đẩy hiệu suất và cắt giảm chi phí. Ngoài ra không thể không kể đến việc cải thiện trải nghiệm cho khách hàng.

Nếu sự chuyển đổi không đem đến tác động tích cực cho khách hàng, thì có lẽ doanh nghiệp đang mất dần thị phần vào tay đối thủ.

8. Các trải nghiệm số chưa được thử nghiệm đúng cách trên người dùng

Công nghệ số cung cấp nhiều lợi ích mới, và nghe rất hấp dẫn. Doanh nghiệp có thể có hàng chục, hàng trăm ý tưởng sau cuộc thảo luận, nhưng các ý tưởng này nên được thử nghiệm trên trải nghiệm thực tế của người dùng.

Quy trình linh hoạt và liên tục phản hồi giúp đội ngũ thực thi cải tiến trải nghiệm cho đến khi sản phẩm và dịch vụ trở nên dễ sử dụng và hiệu quả nhất có thể. Nếu chỉ vì muốn nâng cấp để chạy theo công nghệ hiện đại, thì cuộc chuyển đổi số ấy sẽ không đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp hay trải nghiệm của khách hàng trong tương lai.

9. Không nhận ra được năng lực dữ liệu

Những công ty công nghệ lớn và những doanh nghiệp mới thường có một lợi thế đặc biệt so với các doanh nghiệp truyền thống. Về mặt tổ chức, họ đã thiết lập hệ thống để có thể tận dụng từng dữ liệu khách hàng nhỏ nhất.

|| Thay đổi cấu trúc, hệ thống và cải thiện luồng giao tiếp là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp.

Khác với họ, đa phần các doanh nghiệp truyền thống thiếu sự liên kết giữa các phòng ban, do đó, sẽ không thể kết hợp dữ liệu khách hàng với nhau để tạo ra kết quả có ý nghĩa. Thay đổi cấu trúc, hệ thống và cải thiện luồng giao tiếp là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp, nhưng cần vượt qua để có thể cạnh tranh với các công ty kỹ thuật số thuộc thế hệ mới.

10. Chưa có kế hoạch dự trù sau khi chuyên gia rời đi

Khi chuyển đổi số, không phải chỉ làm việc với đội ngũ chuyên gia thuê ngoài ở đầu quá trình thì được gọi là thành công. Chuyển đổi số nên là thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, với việc thay đổi tư duy liên tục, linh hoạt và phát triển cùng với nhu cầu của khách hàng, đồng thời tận dụng nhiều cơ hội do công nghệ mới mang lại. Việc đào tạo kỹ năng, cũng như đưa ra phương pháp mới để đo lường sự chuyển đổi là điều cần phải duy trì.

Doanh nghiệp chỉ thành công khi các chuyên gia rời đi, đội ngũ nội bộ vẫn có đầy đủ năng lực để duy trì mô hình chuyển đổi số mới.

Trên đây là một vài lý do phổ biến khiến quá trình chuyển đổi số của Doanh nghiệp du lịch thất bại. Các doanh nghiệp du lịch có thể tham khảo, học hỏi, và rút kinh nghiệm cho quá trình chuyển đổi số của mình.

Theo The BIO

Đăng bởi: Thao Phuong | 08 Tháng 1, 2021

Tin mới nhất