Du lịch là ngành đầu tiên rơi vào trạng thái tê liệt vì dịch bệnh nhưng cũng là một trong những ngành được dự báo sẽ phục hồi trước tiên. Tuy nhiên, những tổn thương của thời kỳ dịch bệnh cũng sẽ tạo nên những xu hướng mới làm thay đổi ngành kinh doanh không khói này.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượt khách của cả quý I đạt 3,7 triệu, giảm hơn 18% so cùng kỳ. Kết quả quý II dự kiến còn tồi tệ hơn khi toàn ngành du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh.

Tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào ngành du lịch Việt Nam được vực dậy. Tuy vậy có một điều chắc chắn: ngành du lịch sẽ thay da đổi thịt. "Những hệ luỵ của dịch bệnh lên tâm lý và kinh tế sẽ tạo ra một số xu hướng mới trong việc lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức chuyến đi của du khách," công ty nghiên cứu thị trường Outbox chỉ ra trong báo cáo Phương án phục hồi điểm đến du lịch tại Việt Nam.

xu-huong-du-lich-hau-covid

Ưu tiên hàng đầu của khách hàng hậu đại dịch là sự an toàn. Ảnh: Getty Images.

An toàn là trên hết

Theo đó, ưu tiên hàng đầu của khách hàng hậu đại dịch đã thay đổi. Tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, do đó yếu tố sự an toàn cũng như thông tin về trình độ y tế và khả năng hỗ trợ sức khoẻ của điểm đến sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp du khách quyết định điểm đến.

Sự an toàn chính là lợi thế của du lịch Việt Nam hậu Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh được công bố đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12.2019, đến nay đã lây nhiễm gần 3 triệu người và hơn 200.000 người tử vong khắp thế giới.

Việt Nam đến nay ghi nhận 270 ca nhiễm và chưa có thiệt hại về người. Tính hiệu quả trong phòng chống cũng như chữa trị được minh chứng cho du khách về sự an toàn của Việt Nam. "Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành du lịch trong nước lạc quan rằng hoạt động du lịch sẽ sớm quay trở lại tại Việt Nam," Outbox nhận định.

Ưu tiên các điểm đến gần và chuyến đi ngắn ngày

Xu hướng này là hệ quả của ba cái khó tồn tại trên ngành du lịch hiện tại: ngành hàng không tê liệt, tâm lý sợ dịch bệnh và khó khăn tài chính của du khách. Những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà chính là những gì khách hàng cần để tạm giải tỏa cảm giác "cuồng chân" hậu giãn cách xã hội. Chúng giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khoẻ, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.

Điều này đồng nghĩa khách nội địa sẽ là lực lượng đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Xét cơ cấu tỉ trọng, khách du lịch trong nước chiếm khoảng 82,5% tổng lượng khách năm 2019. Vậy nên xu hướng lựa chọn đến các địa điểm gần sẽ một yếu tố có lợi cho quá trình hồi phục của du lịch Việt Nam.

xu-huong-du-lich-hau-covid

Năm 2019, du lịch Việt Nam thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: Forbes.com.

Nhạy cảm với giá

Khi dịch bệnh tàn phá nền kinh tế, kế sinh nhai của hàng triệu người cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Giữa tháng Tư vừa qua, Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 2,7% từ mức 7% đưa ra vào tháng 1.2020.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cảnh báo hơn 22 triệu lao động Việt Nam đang làm việc trong những lĩnh vực phải đối diện với thách thức lớn để duy trì lực lượng lao động trong và sau dịch. Đây cũng là tình trạng chung của thế giới, khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo -3% cho năm 2020, theo IMF; và 195 triệu việc làm toàn thời gian sẽ biến mất trong quý II.2020, theo ILO.

Viễn cảnh ảm đạm này sẽ khiến cư dân toàn cầu có xu hướng thắt chặt hầu bao và chi tiêu tiết kiệm hơn. "Điều này sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch và khả năng ưu tiên chi tiêu của người dân cho hoạt động du lịch”, Outbox nhận định, đồng thời cho biết du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi để vừa giải toả tâm lý sau dịch nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí.

Đăng bởi: Phuong Thao | 27 Tháng 4, 2020

Tin mới nhất